Không được về với gia đình đón Tết ai nấy đều có chút chạnh lòng, hụt hẫng nhưng họ đều động viên bản thân, chuẩn bị đón một cái Tết đặc biệt.
Mong sao dịch mau qua đi để cô trò, phụ huynh trở về nhà
Cô Nguyễn Thị Hoan (53 tuổi, giáo viên trường tiểu học Phả Lại) hiện đang cách ly cùng đồng nghiệp và các em học sinh của mình tại trường vì có liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Tết Nguyên đán cận kề nhưng vì đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, cô Hoàn đành chấp nhận đón Tết đặc biệt trong khu cách ly tại trường.
Cô Hoan cho biết, các năm trước cứ đến ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) gia đình cô thường làm mâm cơm đặt lên bàn thờ. Từ ngày 26 – 27 Âm lịch, cô sẽ tranh thủ đi chợ, sắm sửa mọi thứ cần thiết để đón Tết. Thế nhưng năm nay ông xã cô cũng đang làm nhiệm vụ ở điểm cách ly tại trường THCS Phả Lại nên chỉ có cô con gái ở nhà, quán xuyến việc gia đình, Tết nhất.
“Từ lúc xây dựng gia đình ở với nhau đến bây giờ cũng 33 năm, đây là cái Tết đặc biệt của hai vợ chồng. Năm nay vợ chồng con lớn ở trên Hà Nội không về được, tôi đi cách ly ở trường, chồng làm nhiệm vụ ở điểm cách ly khác nên thành ra có mỗi con gái út ở nhà”, cô Hoan buồn bã nói.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, cô Hoan cho hay, vào đêm giao thừa, gia đình cô sẽ dâng mâm lễ đầy đủ xôi, chè, dưa hấu,… lên bàn thờ, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau để cầu những điều tốt đẹp nhất. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảnh khắc hạnh phúc, ấm cúng đó tạm gác lại chấp nhận thực hiện các biện pháp phòng dịch trong khu cách ly.
“Năm nay chỉ có cô con gái út chưa lập gia đình ở nhà, tự túc bữa cơm tất niên, đêm giao thừa theo truyền thống gia đình. Gia đình không có ai, một mình con lẻ loi lắm lúc nghĩ cũng chảy nước mắt nhưng vì sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội nên tôi phải ở đây, nghiêm túc thực hiện”, cô Hoan tâm sự.
Khu cách ly tập trung tại trường tiểu học Phả Lại chia thành 5 phòng có 6 giáo viên, 4 phụ huynh và các em học sinh. Mỗi giáo viên và phụ huynh có trách nhiệm lo cho các em từ giờ ăn, giấc ngủ và thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Hiện giờ, tất cả mọi người đều mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để được về với gia đình, các em học sinh được về với vòng tay của bố mẹ.
“Mọi năm cứ đến Tết cũng sắm một cây quất, một cành đào, kể ra có sự sum họp của gia đình là điều hạnh phúc nhất nhưng vì sức khoẻ cộng đồng nên đành chấp nhận. Khi biết có liên quan đến ca nhiễm Covid-19 tôi cũng xác định phải đi cách ly tập trung nhưng đến khi nhận thông báo cũng bàng hoàng. Mong làm sao dịch bệnh mau qua đi để cô trò, phụ huynh trở về nhà, ổn định cuộc sống, đây cũng là điều tôi mong mỏi nhất”, cô Hoàn chia sẻ.
|
"Không về quê được nên sợ cụ tủi thân"
Cô Đoàn Thị Giang (32 tuổi, giáo viên trường tiểu học Phả Lại) hiện cũng đang cách ly tập trung, chấp nhận đón cái Tết không trọn vẹn bên gia đình vì dịch bệnh. Cô Giang cho biết, hai đứa con (một bé 4 tuổi, một bé 2 tuổi) hiện đang phải gửi cho ông bà vì chồng cô cũng không ở nhà.
Theo lời chia sẻ của cô Giang, các năm trước cứ đến ngày 25 tháng Chạp, gia đình cô sẽ làm giỗ cho bà nội sau đó sẽ đi sắm Tết, chuẩn bị đón năm mới. Trước đó cô bàn với chồng định mang đào về nhà cho có không khí Tết nhưng chưa kịp sắm cô phải vào khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn.
“Năm nay khác biệt rất nhiều, 25 Âm lịch giỗ bà nội nhưng không tổ chức được vì các cô chú, mẹ tôi trước có đi đám cưới không may có ca nhiễm nên phải đi cách ly hết. Tầm này cũng chuẩn bị mua sắm để đón Tết, làm tất niên cùng cụ, các ông, các bà ở quê nhưng bây giờ phải đi cách ly vì dịch”, cô Giang cho biết.
Ở khu cách ly tập trung điều kiện sinh hoạt rất đầy đủ, tuy nhiên xa nhà, nhớ con và nhớ không khí Tết mọi năm khiến cô Giang có chút buồn bã, chạnh lòng. Nhà trường cũng sắm cành đào để cô trò đón Tết nhưng thiếu vắng tình cảm gia đình nên không thể có cái Tết trọn vẹn.
“Hai đứa con tôi ở với ông bà, mẹ đi các con chưa quen nên cũng khóc, đứa lớn bám ông bà còn đỡ nhưng đứa thứ hai toàn ngủ với mẹ, ôm mẹ nên khóc nhiều. Tôi không dám gọi về nhiều chỉ nhìn dám trộm qua camera cho đỡ nhớ”, cô Giang chia sẻ.
Mọi năm, vào mùng 1 Tết Nguyên đán cô và gia đình sẽ về quê ở Gia Lộc (Hải Dương) đón năm mới cùng cụ nội. Năm nay vì dịch không về quê được nên cô sợ cụ tủi thân, không được đón cái Tết ấm áp, đủ đầy bên con cháu.
|
|
“Cụ cũng trăm tuổi rồi nên khi biết con cháu không về được cũng buồn, cũng khóc. Các cụ không biết nhiều về dịch Covid-19 chỉ biết con cháu không về được nên buồn lắm. Cụ ở quê một mình thôi nhưng cũng may có các cô chú bên cạnh nên cũng đỡ. Còn con gái gọi điện lúc nào cũng hỏi bao giờ mẹ về nên tôi đành phải nói dối đi công tác vì bình thường chưa bao giờ xa con như thế cả”, cô Giang cho hay.
Năm nay, những giáo viên, học sinh trường tiểu học Phả Lại phải đón một cái Tết đặc biệt trong khu cách ly. Dù có buồn, có hụt hẫng nhưng tất cả mọi người đều cố gắng vượt qua, luôn mong hết dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên gia đình.
|
Bình luận (0)