Nhà máy Google, Microsoft sẽ chuyển sang Việt Nam ?
Báo Nikkei Asian Review ngày 26.2 thông tin trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, Google và Microsoft muốn chuyển nhà máy, tăng sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Địa điểm dự kiến là các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan. Tương tự, Google chuẩn bị khởi đầu việc sản xuất mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất với tên gọi Pixel 4A tại Việt Nam vào khoảng tháng 4 năm nay. Còn Microsoft thì dự kiến sản xuất dòng Surface, bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn trong quý 2 năm nay.
“Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá tính khả thi và chi phí để tháo dỡ một số thiết bị sản xuất và chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không sau khi dịch Covid-19 tràn lan khiến các cơ sở sản xuất không thể hoạt động lại ngay trong tháng 2. Microsoft thì khởi động kế hoạch sản xuất tại Việt Nam sớm hơn dự định, trước khi dịch bệnh lan rộng”, bài báo trên viết.
Cũng liên quan đến dịch cúm Covid-19, Hãng tin Reuters đăng tải Nhà máy Foxconn ở Việt Nam phải chạy hết công suất vì dịch và đang thận trọng khởi động lại sản xuất tại các nhà máy của mình ở Trung Quốc. Các nhà máy đang “gánh” phần sản xuất ở Trung Quốc bị ngưng vì dịch gồm có ở Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
Trước đó, do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, cuối năm 2019, Apple cũng thúc đẩy các đối tác của mình nhằm chuyển nhà máy và dây chuyền sản xuất tai nghe không dây AirPods và AirPods Pro từ Trung Quốc sang Việt Nam. Năm vừa qua, nhiều công ty đã di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; như Công ty Goertek đã chuyển sản xuất tai nghe và linh kiện điện thoại sang Bắc Ninh, Hanwah - chuyên sản xuất phụ tùng máy bay đã di dời sang Hà Nội...
Gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam
Thực tế, trước đó khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đã khiến nhiều công ty công nghiệp mà đặc biệt là điện tử đã phải cân nhắc những rủi ro khi tập trung các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Dịch Covid-19 khiến xu hướng này càng thêm rõ ràng hơn.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), chia sẻ: Một số dự án lớn từ Mỹ và châu Âu đang được đàm phán với phía Việt Nam và khả năng sẽ chính thức tham gia trong năm nay. Có 3 nhân tố mới sẽ tác động đến việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Đó là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7.2020. Thứ hai là Nghị quyết 50 ban hành trong tháng 8.2019 của Bộ Chính trị nhấn mạnh về việc ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ khối chuỗi (blockchain). Đặc biệt yếu tố thứ 3 là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và nhà máy từ Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia sang Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn vì phía Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn dịch bệnh Covid-19. Tương tự, Việt Nam cũng được quốc tế đánh giá cao về việc kiểm soát tốt dịch bệnh so với Hàn Quốc hay Nhật Bản thì xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
“Cơ hội là thấy rõ nhưng quan trọng Việt Nam phải có nguồn lực mới tăng khả năng cạnh tranh mạnh hơn trong dài hạn. Trong đó, tôi cho rằng việc chuyển sang kinh tế số của Việt Nam hiện đang đi đúng xu hướng mới và điều đó cũng góp phần làm gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam thêm 3 bậc trong năm 2019. Chính phủ cần sớm có chương trình hành động cụ thể để các bộ ngành, địa phương cùng thống nhất quan điểm tạo ra môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh cao”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Bình luận (0)