Nỗ lực xóa bỏ rào cản ngôn ngữ
Chia sẻ với PV Thanh Niên tại sự kiện Ngày hội giáo dục ĐH Pháp 2022 tại TP.HCM ngày 9.10, ông Florent Ménard, trưởng bộ phận Campus France Vietnam (Văn phòng chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), cho biết việc phát triển chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại Pháp là một điều tất yếu trong quá trình quốc tế hóa giáo dục đang diễn ra tại các nước châu Âu.
“Số lượng học sinh đến Pháp để học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ngày càng gia tăng, từ dưới 5% vào năm 2012 lên hơn 30% sau 10 năm và tương lai sẽ tiếp tục tăng", ông chia sẻ.
Đông đảo học sinh, sinh viên và phụ huynh tham gia sự kiện Ngày hội giáo dục ĐH Pháp 2022 tại TP.HCM ngày 9.10 |
thành công |
Một số ĐH tại Pháp cũng đã linh động trong việc đưa tiếng Anh vào chương trình học. Cụ thể, cô Alenxandra Klack, đại diện ĐH thương mại EM Strasbourg, cho biết: “Đây là một điểm mới trong nhiều ĐH tại Pháp khi việc đan xen nhiều ngôn ngữ khác nhau trong một chương trình học, điều đó giúp du học sinh có thể vừa học thêm tiếng Pháp vừa có thể học tập thuận lợi bằng tiếng Anh”.
Lý giải thích cho việc ngày càng nhiều du học sinh học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, ông Florent Ménard chia sẻ: “Các ĐH tại Pháp nắm bắt xu thế mới để thu hút du học sinh. Thực tế cho thấy số lượng người học tiếng Pháp giảm hơn trước rất nhiều, nhưng các ĐH vẫn có thể thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Từ đó, các chương trình dạy bằng tiếng Anh tại Pháp cũng được nhân rộng”.
Đại diện ĐH Autograf (Paris) tư vấn thông tin chính sách du học với phụ huynh và học sinh |
THÀNH CÔNG |
Cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên tiếng Pháp, hướng dẫn học sinh Trường THPT Vũng Tàu đến tham gia sự kiện, chia sẻ: “Ngoài việc đạt chứng chỉ TCF, việc các ĐH tại Pháp phát triển chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh là cơ hội rộng mở cho du học sinh”.
Sinh viên vẫn phải trau dồi tiếng Pháp
Dù vậy, sinh viên Việt Nam cũng cần phải có trình độ tiếng Pháp đúng theo yêu cầu của trường nếu muốn sang nước này vì không phải tất cả ngành học đều có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Bà Clémence Peccsvet, đại diện ĐH khách sạn-du lịch Vantel, cho biết tùy đặc thù ngành mà ngôn ngữ giảng dạy sẽ được áp dụng.
“Với nhiều ngành phải vận dụng kỹ năng giao tiếp thì tiếng Pháp là một yêu cầu bắt buộc đối với du học sinh để có thể làm những công việc hành chính và kết nối xã hội. Các ĐH tại Pháp có chương trình dạy tiếng Pháp nhằm giúp du học sinh có đủ trình độ tiếng Pháp”, bà Peccsvet chia sẻ.
Trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên tại sự kiện Ngày hội giáo dục ĐH Pháp 2022, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự tại Pháp tại TP.HCM, cho biết sau khi tốt nghiệp, sinh viên quốc tế sẽ được cấp visa 1 năm để làm việc tại Pháp hoặc trở về Việt Nam và riêng TP.HCM có 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động.
“Nước Pháp đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều sinh viên nước ngoài đến du học. Để quảng bá và thu hút sinh viên nước ngoài, chúng tôi tổ chức rất nhiều sự kiện để giới thiệu thông tin về ngành học và các ĐH của Pháp. Bên cạnh đó, hệ thống văn phòng đại diện ở Hà Nội và Đà Nẵng sẽ có nhiệm vụ phổ biến thông tin về du học Pháp để hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam có kế hoạch du học”, bà Pavillon-Grosser chia sẻ.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, phát biểu khai mạc sự kiện Ngày hội giáo dục ĐH Pháp 2022 ngày 9.10 |
THÀNH CÔNG |
Bà Pavillon-Grosser cho hay chi phí học tập hợp pháp tại Pháp khá thấp và du học sinh được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. “Bên cạnh đó, du học sinh được phép làm thêm tối đa 964 giờ trong một năm, có thể làm theo hình thức bán thời gian từ 17-20 giờ/tuần hoặc tập trung làm theo thời vụ, miễn là nằm trong số giờ quy định”, bà Pavillon-Grosser chia sẻ.
Bình luận (0)