Lúc này, anh Phương đang làm chủ một cơ sở kinh doanh phế liệu và 6 xe đầu kéo, doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm. Cơ sở phế liệu đang giải quyết việc làm cho 11 lao động (lương 8 triệu đồng/người/tháng); 12 tài xế (thay phiên lái 6 xe đầu kéo) hiện có thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phương kể: “Học xong phổ thông, tôi rất muốn thi đại học, thế nhưng gia cảnh khó khăn, tôi chọn vào Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa, học gần nhà để bớt tốn kém. Vậy mà tôi phải nghỉ giữa chừng do gia đình gặp sự cố lớn, kinh tế quá khó khăn”.
Khi đó, cha mẹ Phương bắt đầu việc mua bán phế liệu, với quy mô nhỏ. Nghỉ học, anh lao vào công việc phân loại phế liệu, ghi chép sổ sách cho gia đình. “Cơ sở phế liệu ngày một mở rộng dần. Thế nhưng tôi nhận thấy: chi phí vận chuyển phế liệu từ Tuy Hòa đi TP.HCM chiếm quá lớn, dẫn đến lợi nhuận thấp. Vậy là tôi quyết tâm đi học lái xe, với giấc mơ sắm xe tải chở hàng cho gia đình”, anh nói.
Năm 2011, anh Phương cùng gia đình vét vốn 1,4 tỉ đồng để sắm chiếc xe tải đầu tiên. Xe do anh cầm lái vận chuyển phế liệu bán cho các công ty thu mua trong nam, ngoài bắc. Ngoài ra, anh còn hợp đồng vận tải hàng hóa, nông sản cho các nhà máy, khách hàng có nhu cầu. Làm ăn phát đạt, anh tiếp tục mua sắm xe tải và lập công ty.
Anh Phương cho biết việc kinh doanh phế liệu vẫn mang lợi nhuận ổn định hơn. Ngoài các đại lý khắp nơi trong tỉnh, anh còn trực tiếp liên hệ với nhiều hàng quán để thu mua các loại vỏ lon. Hiện mỗi ngày cơ sở phế liệu của anh mua vào từ 7 - 10 triệu đồng phế liệu. Cũng có ngày, anh chi mua phế liệu trị giá hàng trăm triệu đồng. Lúc này, anh Phương thu mua, xuất bán bình quân 20 tấn phế liệu/tháng. Công việc “ngập đầu” nhưng khi rảnh rỗi, anh vẫn trực tiếp cầm búa cùng nhân công đục rã máy móc cũ, phân loại sắt, đồng, nhôm…
“Tôi hiện có hai con trai nhỏ. Vợ đã nghỉ làm kế toán cho một công ty, đang cùng điều hành việc kinh doanh của gia đình. Trên đường mưu sinh, tôi thấy mình đã cố gắng chọn được ngành nghề phù hợp, đủ sức nuôi gia đình thoải mái. Xã hội tiêu dùng càng phát triển thì phế liệu thải ra càng nhiều, đó là cơ hội kinh doanh của tôi. Gần đây, tôi còn góp vốn mở quán cà phê…”, anh Phương nói.
Ông Bùi Công Hằng (ở P.1, TP.Tuy Hòa), một người chuyên cung cấp phế liệu cho anh Phương, nhận xét: “Phương là người chịu khó tính toán, làm ăn rất bài bản. Anh luôn kiên quyết nói không với các loại đầu đạn, chất gây nguy hiểm, ô nhiễm môi trường... Tuyệt đối tuân thủ pháp luật là cách để anh sống bền với nghiệp kinh doanh. Người trẻ mà có chí hướng như thế thì còn tiến xa”.
Bình luận (0)