Đầu những năm 1960, nhân dịp Liên Xô cho khởi phát con tàu vào vũ trụ, người Nga đã phát động một cuộc trưng cầu ý kiến lớn, rằng: Liệu con người có còn cần đến văn học nghệ thuật trong thời hiện đại nữa hay không? Đến cuối cùng, tất cả mọi người đều nhất trí rằng "dù con người có bay lên tàu vũ trụ đi chăng nữa, thì trong con tàu vũ trụ ấy vẫn cần một nhành hoa lila". Dường như văn học nghệ thuật luôn có một sức mạnh bất diệt trước mọi bể dâu của thời gian. Bởi đó là hình thức bộc lộ những nét đẹp hoàn mỹ nhất trên thế gian, mặt khác, văn chương cũng như nhành hoa lila là khởi đầu cho thứ cảm xúc mang tên "tình yêu", hay nói rộng hơn là "tình thương". Một vì sao không bao giờ khóc (NXB Kim Đồng, 2024) của nhà văn Vũ Ngọc Giao là tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi với vẻ đẹp nhiều màu sắc mang tên "tình yêu" và "tình thương" ấy.
"Vì sao" không ai khác chính là trẻ thơ. Đó là những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải trưởng thành, những đứa trẻ với những nỗi ưu tư của riêng mình trong hành trình hoàn thiện các gam màu của cuộc đời. Dẫu vậy, những trái tim thơ ngây ấy vẫn thật dịu dàng, trong lành, tràn ngập yêu thương và ánh sáng của niềm tin. Điều đó khiến những vì tinh tú le lói nỗi buồn lại được cạnh bên những vì sao rực rỡ của niềm vui, tạo nên một bầu trời tuổi thơ thật đẹp, thật đáng nhớ. Một bầu trời luôn cạnh bên ta, nhắc nhở ta về những điều đẹp đẽ của cuộc đời.
THẾ GIỚI CỦA HIỆN THỰC
Tác phẩm Một vì sao không bao giờ khóc là sự kết tinh của nhiều câu chuyện nhỏ, mà trong đó chủ yếu lấy những đứa trẻ làm nhân vật trung tâm. Một điều đặc biệt rằng, hầu hết những đứa trẻ trong câu chuyện đều là những trái tim chưa lớn đã phải trưởng thành vì hiện thực cuộc đời lắm gian khó. Đó là cô bé Cầm với nỗi cô đơn mất đi "bầu trời của mình" - người mẹ. Hay đó là một cô bé không họ, không tên, không biết cha, không biết mẹ, nội mất, loay hoay kiếm từng bữa cơm trên trấn. Hay đó lại là cậu bé Cỏ chứng kiến cha ra đi ngay trước mắt, phải sống bằng sự cưu mang của mọi người trong xóm. Đó là những đứa trẻ ở xóm Trũng - cái xóm mà câu nói "không ai khó ba đời" chẳng thể áp dụng vì họ "nghèo từ đời ông đến đời cha, qua đời con, đời cháu vẫn cứ nghèo". Hiện thực trong từng trang văn không hề được tô hồng mà được diễn tả một cách trần trụi, rõ nét, sâu sắc. Thế nhưng, hiện thực cuộc sống được miêu tả càng sắc nét bao nhiêu thì ta lại càng thương và cảm phục những tâm hồn trẻ thơ trong sáng, đẹp đẽ bấy nhiêu. Hiện thực vì thế tuy tối tăm, gian khó nhưng không hề mang cảm giác chán nản, mệt mỏi, tuyệt vọng cho bạn đọc. Ngược lại từng câu chuyện còn thắp lên trong họ ngọn lửa ấm nóng của niềm tin, của tình yêu thương với con người và cuộc đời này.
THẾ GIỚI CỦA HIỆN THỰC TRONG ÁNH MẮT TRẺ THƠ
Trong Một vì sao không bao giờ khóc, những câu chuyện được tái hiện với đa dạng ngôi kể, góc nhìn. Đó là ngôi kể thứ ba với góc nhìn của một người trưởng thành khi được tiếp thu và cảm nhận những suy tư, tâm trạng của những đứa trẻ. Hay đó chính là ngôi kể thứ nhất qua lăng kính của chính những đứa trẻ đi vẽ nên bức tranh thế giới của riêng mình.
Lựa chọn đứng trên lập trường yêu thương, trân trọng, nâng niu trẻ thơ và những mảnh ghép của ký ức, nhà văn đã tái hiện câu chuyện bằng ngôn ngữ rất mộc mạc, giản dị, gần gũi, đấm chất Trung bộ và giọng văn đượm buồn, bay bổng, nên thơ. Tất cả đã tạo nên một thế giới đầy sắc màu của niềm tin, của tình thương, của những thiện lành mà nhiều khi nó khiến những gam màu xám tối của hiện thực không còn nặng nề như đã từng nữa. Vẫn là cô bé Cầm mất đi bầu trời của mình nhưng giờ đây đã sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh, tiếp nối hành trình thực hiện ước mơ còn đang dang dở của người mẹ quá cố. Bằng cả trái tim, em di chuyển từng bước chân non nót trên sàn diễn tập chỉ để được nhìn thấy nụ cười của bố, thấy được "ánh sáng" trong cuộc đời mình. Vẫn là cô bé không cha, không mẹ, không gia đình , không nơi nương tựa ấy nhưng em không sống chỉ để tồn tại. Em lan tỏa tình yêu thương bằng một trái tim rướm máu, chai sạn những thương tổn. Vẫn là Cỏ - một cậu bé chứng kiến và trải qua biết bao nỗi đau trong quá khứ nhưng em đã lựa chọn chăm chỉ làm việc và học tập, sống hết mình với cuộc đời này. Vẫn là những đứa trẻ ở xóm Trũng nghèo ấy nhưng chúng dám cưu mang, chăm sóc ông Thờn - một người đàn ông kỳ dị, bị xua đuổi vì cơ thể "chi chít những cục u lớn nhỏ như những mụn cóc khổng lồ", làm ta phải xiêu lòng rung động trước một thế giới quá sáng trong của trẻ thơ.
THẾ GIỚI TRONG TA...
Giữa thế gian vội vã với biết bao điều khiến ta phải lắng lo, từng mảnh ghép ký ức về một tuổi thơ đẹp đẽ, thơ ngây cứ thế ùa về trong ta khi lật giở từng trang sách trong Một vì sao không bao giờ khóc. Những mảnh ghép ấy lấp đầy tâm hồn ta khỏi sự trống rỗng, khô cằn, héo úa. Những mảnh ghép ấy là nguồn sống để ta tiếp tục lớn lên, tiếp tục trưởng thành, là động lực để ta tiếp tục tiến về phía trước.
Lắm khi hoang hoang, chênh vênh, ngờ vực giữa dòng chảy cuộn xoay của cuộc đời, kỷ niệm về một tuổi thơ sáng trong khiến ta chợt nhận ra: Mục đích ban đầu của mình là gì? Đâu mới là điểm đến cuối cùng mình từng khao khát? Chúng kéo ta ra khỏi vòng xoáy của sự ngờ vực, sai lầm và tội lỗi, giúp ta được sống là "sống", chứ không chỉ là "tồn tại".
Quả thật, "tuổi thơ sẽ luôn ở lại với ta, như biển sao hằng đêm vẫn hiện ra trên bầu trời sâu thẳm".
Bình luận (0)