Có nên cho con du học quá sớm?: Để không 'đánh mất' con

Thúy Hằng
Thúy Hằng
16/11/2022 06:05 GMT+7

Không ít phụ huynh từng rơi vào hoàn cảnh con đi du học rồi trở về như một con người khác. Hay nhiều người làm cha, làm mẹ như đứng ngồi trên lửa khi biết con đã hoặc đang trải qua trầm cảm ở xứ người.

Lo âu, trầm cảm không chỉ gặp ở các bạn nhỏ khi mới du học, mà còn là vấn đề của ngay cả người trưởng thành. Con gặp khó khăn khi du học, phụ huynh cần làm gì?

Chọn đúng trường và chuẩn bị kỹ lưỡng

Phụ huynh Nguyễn Thị Bích Hậu có con du học Mỹ bằng học bổng từ trung học, tác giả nhiều cuốn sách như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh…, cho biết ở một số quốc gia, như Úc cho phép du sinh đi học từ độ tuổi mẫu giáo trở đi. Nhưng ở độ tuổi nhỏ, nhất là trước khi vào trung học phổ thông thì các bé cần có ba mẹ ở bên sẽ là tốt nhất vì tuổi đó rất cần được cha mẹ chỉ dạy. Tới bậc trung học thì các du sinh có thể ở nội trú, nếu như đã có trường tốt đàng hoàng.

Theo chị Hậu, có một thực tế là nhiều phụ huynh suy nghĩ đơn giản, cứ du học là ổn nên “ham rẻ”, chọn những trường “tàm tạm” để tốn ít chi phí. Trong khi đó qua tới nước ngoài, sự thay đổi thời tiết, văn hóa, cộng với việc các bạn chưa thể thích nghi ngay việc học hành càng khiến trẻ dễ trầm cảm, còn trường học vì là trường “bèo” nên họ chạy theo thương mại, không có đủ nguồn lực để chăm sóc du học sinh.

Một hoạt động giao lưu giữa du học sinh người Việt và các bạn nước ngoài tại trường của Mỹ

Bảo Thắng

“Tôi từng chứng kiến các cháu học trường chuyên “xịn” của TP.HCM nhưng cha mẹ vẫn cho con vào học các trường “bèo”, vì thiếu thông tin nhưng lại nghe lời nhiều công ty tư vấn không có tâm. Có những trường cả 4 khối lớp là 9, 10, 11 và 12 mà có mỗi 60 học sinh, tức là chỉ 10 - 15 em một khối”, chị Hậu nói. Theo phụ huynh này, trường quá ít học sinh nên khả năng cạnh tranh yếu, nguồn lực kém do luôn ở trong tình trạng “vơ bèo gạt tép”, có học sinh nào cũng ráng kéo lấy và giảm tiền học phí vô tội vạ. Họ gọi là cấp học bổng, nhưng học bổng này không dựa trên bất cứ thành tích hay điểm số học tập nào.

“Ngoài những người bị trầm cảm do có bệnh lý tiềm ẩn, tôi nghĩ rằng các du sinh bị trầm cảm dù ở tuổi nào cũng chủ yếu do không thích nghi được với hoàn cảnh sống mới. Có thể họ chưa bao giờ hình dung được những gì sẽ có ở xứ người. Với các cháu dưới 18 tuổi, trách nhiệm thuộc về cha mẹ thiếu kiến thức, thiếu thông tin, không chuẩn bị kỹ lưỡng cho con mà đã “đẩy” con đi khi con còn quá non yếu về mọi mặt”, tác giả nhiều cuốn sách về du học nói.

“Chính bản thân tôi đi Úc, Mỹ thường xuyên mà nhiều khi còn muốn trầm cảm khi thời tiết, khí hậu, múi giờ, sinh hoạt… mọi thứ đều thay đổi, do đó tôi rất hiểu những khó khăn gian khổ mà các cháu du sinh phải trải qua. Vấn đề là nếu được chuẩn bị kỹ, được hướng dẫn tốt và có thân nhân đồng hành trong mọi thời điểm khó khăn, thì các em, các cháu du sinh sẽ dễ dàng vượt qua mà thôi”, chị Hậu trao đổi thêm.

Chấp nhận khác biệt, tôn trọng đa dạng

Anh Nguyễn Minh Nam, thạc sĩ giáo dục chuyên ngành tích hợp nghệ thuật tại ĐH Plymouth State (Mỹ), theo chương trình học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ năm 2021 - 2022, cho hay bất cứ độ tuổi nào khi đi du học, bạn cũng có thể gặp lo lắng, stress, thậm chí trầm cảm vì đối diện với những khó khăn ngôn ngữ, văn hóa, môi trường sống…

Do đó, bước chuẩn bị trước khi du học rất quan trọng, không chỉ là ngoại ngữ mà ngay từ ở VN, phụ huynh hãy buông con ra, để con biết nấu ăn, đi chợ, ra ngoài giao lưu, học cách giải quyết vấn đề, hiểu về bản thân, có kỹ năng sinh tồn, tìm kiếm sự hỗ trợ thì gọi cho ai… Đừng bảo bọc con tới tận ngày con ra sân bay.

Các bạn trẻ nên tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa với các bạn trẻ khác để học hỏi, có thêm những người bạn mới. Đồng thời các bạn cũng cần được trang bị kiến thức về chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng sự đa dạng. Để khi bị ai đó trêu chọc, làm phiền mình vì những sự khác biệt, bạn cũng không đổ lỗi cho bản thân, không tự làm tổn thương mình. “Đặc biệt, du học sinh cần phải duy trì sự kết nối với gia đình, người thân, để được trao đổi, tâm sự, chia sẻ những khó khăn”, anh nói.

Nhiều bạn trẻ trầm cảm khi đi du học

Shutterstock

Sự liên kết của gia đình

Tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, cho hay dù ở bất kỳ độ tuổi nào khi du học thì sự liên kết của gia đình - học trò là vô cùng quan trọng, để con được tâm sự, chia sẻ những căng thẳng. Đồng thời nếu không có sợi dây ấy, khi con tới vùng đất mới bị cuốn theo đời sống mới, cha mẹ ở VN cuốn theo công việc và rất có thể sẽ “đánh mất” con.

“Đánh mất”, ở đây hiểu rằng đứa con thay đổi nhiều trong giao tiếp, suy nghĩ, lối sống, quan niệm về tình thân, nhất là đứa trẻ càng du học khi còn ít tuổi, sống ở nước ngoài càng lâu, mà sợi dây liên kết với gia đình càng lỏng, thì khi gặp lại cha mẹ, ông bà ruột thịt, chúng càng trở nên xa lạ, như một con người khác. Có con gái du học Mỹ khi vào lớp 10, dù lệch múi giờ nhưng mỗi ngày anh Thắng đều dành thời gian trò chuyện với con. Anh cũng nhắc con giữ liên lạc với em trai hay hằng tháng nhớ hỏi thăm ông, bà, chú dì ở VN để con vẫn nhớ về cội nguồn của mình.

Trong khi đó chị K. (TP.HCM), người mẹ có con từng trầm cảm khi du học Anh năm 9 tuổi, thừa nhận đã có lúc chị “sính” ngoại, muốn được khoe với bạn bè là con du học từ nhỏ. “Đây cũng là vấn đề của nhiều cha mẹ VN. Nhiều người cứ nghĩ rằng con sang nước ngoài học là giỏi hết và mình cho con đi được là đã hoàn thành nhiệm vụ”, chị chia sẻ.

Sau những kinh nghiệm đã trải qua, theo chị K., trước khi cho con du học, phụ huynh cần trả lời các câu hỏi con có phù hợp về học lực, thể chất, khả năng hòa nhập… và mình có khả năng tài chính thế nào, định hướng tương lai rõ ràng con học xong sẽ ra sao. Đặc biệt bài học của chị K. là lựa chọn sai công ty tư vấn ban đầu, họ không phân tích tường tận, lường hết trước các tình huống nên khi con qua Anh, chị mới “tá hỏa” khi phát sinh chi phí rất lớn từ việc thuê công ty bảo trợ (vì con chị dưới 18 tuổi), thuê nhà để ở những dịp lễ vì trường đóng cửa khu nội trú cũng đóng cửa luôn và rất nhiều khoản phải đóng khác.

Chị bộc bạch: “Tôi mong những người cha, người mẹ hãy ở bên cạnh con suốt những năm tháng con ở xa, để lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ con. Nhiều người cho con qua nước ngoài rồi để con tự “bơi”, làm rồi trả tiền học. Thế nên có những câu chuyện đáng tiếc, như con qua đó bị trầm cảm, mải mê làm thêm, vi phạm pháp luật, vướng vào tệ nạn…, khi trở về vòng tay cha mẹ thì đứa con ngày trước cũng không bao giờ trở lại”.

Có nên cho con du học quá sớm?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.