'Có người hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên tài sản trăm tỉ, nghìn tỉ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/01/2021 12:50 GMT+7

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được.

Sáng 12.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 52, cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TAND tối cao và VKSND tối cao.

Thu hồi tài sản tham nhũng gần 80.000 tỉ đồng

Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 14 của Viện KSND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thông tin, trong nhiệm kỳ vừa qua, VKSND tối cao đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Viện KSND đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa TAND Tối cao, Ban Nội chính T.Ư tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đề ra.
Cùng với đó, đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc.
"Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỉ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Trong khi đó, báo cáo nhiệm kỳ của TAND tối cao do Chánh án TAND tối cáo Nguyễn Hòa Bình trình bày tại phiên họp cho hay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của nhà nước.
Bên cạnh đó, đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo của TAND tối cao và VKSND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tăng qua các năm.
Bà Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, TAND tối cao đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. 100% vụ án và bị cáo bị áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, truy tố tiếp tục được Tòa án giữ nguyên việc áp dụng các biện pháp này trong giai đoạn xét xử.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ hơn nội dung liên quan thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng vì những kết quả đạt được trong công tác này rất tốt với số tiền thu hồi lên tới 80.000 tỉ đồng.
“Hôm qua chúng ta vừa nghe đầu tư công thêm 2 đoạn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội ra 2 nghị quyết mới bố trí được 79.000 tỉ. 80.000 tỉ thu hồi tài sản tham nhũng này sẽ tạo sự phát triển hạ tầng. Trong kết quả này, chúng tôi đề nghị làm rõ chiếm tỷ lệ bao nhiêu, tăng giảm so với nhiệm kỳ trước để làm rõ kết quả và biện pháp để phát hiện, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế”, ông Thanh nói.

“Bát nước đổ đi, khi hốt lại thì không bao giờ đầy được”

Giải trình thêm sau đó, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước đây, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cả tòa án chỉ tuyên án chứ không tính đến việc thu hồi.
“Đó là thói quen của chúng ta ở nhiệm kỳ trước, cứ tuyên án còn thu hồi được hay không là việc của thi hành án”, ông Trí nói.

Chánh án TAND tối cáo Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, yêu cầu ngay từ khi khởi tố vụ án, điều tra là phải quan tâm vấn đề thu hồi tài sản.
“Vì vậy, ngay từ khâu điều tra cũng tích cực, kiểm sát trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra cũng đã yêu cầu rồi, tới truy tố tiếp tục và đến toà cũng tiếp tục quan tâm vấn đề này. Đây là tinh thần chỉ đạo mới. Đó là về cách làm”, ông Trí cho hay.
Một điểm mới trong thu hồi tài sản, theo ông Trí, là nhiều thủ tục được tháo gỡ. Trước tính phối hợp trong công tác này không cao. Tới nhiệm kỳ này nhiệm vụ chính trị đặt ra nên có sự phối hợp ngay từ đầu. “Chúng ta cũng đã ban hành hàng loạt thủ tục hỗ trợ cho việc này”, ông Trí nói.
Ông Trí cũng đề nghị để thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn, cần sớm ban hành luật Đăng ký tài sản. Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, hiện việc kê khai tài sản chỉ trong hệ thống chính trị, nhưng những người tham nhũng thì không bao giờ tự đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên.
“Bây giờ có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng này”, ông Trí phân tích và cho rằng, nếu không sớm có luật này thì dù cố gắng thì việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đến ngưỡng nào đó rồi dừng lại.
“Bát nước đổ đi, khi hốt lại thì không bao giờ đầy được nữa”, ông Trí nói và cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ này tăng lên 4-5 lần so với nhiệm kỳ trước nhưng bảo tăng 100% thì không thể được.

Có người hứa nộp 500 tỉ, vợ vào gặp 1 lần là không chấp nhận nộp tiền nữa

Liên quan tới vấn đề luật sư được thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ, ông Trí cho biết, luật sư là định chế “2 mặt” vì vừa góp phần bảo vệ quyền con người nhưng khi luật sư thực hành nghề của mình lại có yếu tố tìm mọi cách để bảo vệ thân chủ.
Theo ông Trí, nếu cứ nghĩ đơn giản là mở cửa cho luật sư và người thân tiếp cận bị can thì có những vụ đáng lẽ thu được nghìn tỉ nhưng cuối cùng không thu được vì một là nộp xong thì tội nặng hơn nên không nộp. Hai là đối tượng đồng nộp nhưng người cất không chịu nộp, mà người ta vào nói có câu thôi là sau này mỗi lần hỏi là lờ không trả lời.
Ông Trí dẫn chứng, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên là sẽ khắc phục hậu quả 800 tỉ đồng, nhưng sau luật sư vào gặp thì không nói gì đến chuyện 800 tỉ đồng nữa.
“Luật sư nói nếu ông nộp 800 tỉ người ta sẽ hỏi ở đâu có 800 tỉ, là ông tham nhũng ông còn chết hơn nữa. Nói thế phát là đối tượng tiệt luôn không nói đến nữa”, ông Trí nói.
Cũng theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, có vụ án khác, bị can hứa nộp 500 tỉ nhưng vợ vào gặp có một lần duy nhất sau đó không bao giờ chấp nhận nộp lại tiền nữa.
“Vợ nói gì mình không biết nhưng những cuộc gặp như thế xong thay đổi lời khai”, ông Trí nói, và cho biết trong vấn đề này, Viện kiểm sát cấp phép đúng quy định với tinh thần tốt nhất có thể nhưng không có nghĩa là cứ “mở”, tin vào việc bảo vệ quyền con người mà không tính đến nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm để chứng minh bản chất tội phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.