Có nhà đầu tư đến, cũng có người đi

25/09/2020 08:20 GMT+7

Các chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư cảnh báo, trong khi nhiều tập đoàn đang muốn đến Việt Nam hoặc cân nhắc việc đến Việt Nam hay nước khác trong khu vực thì có tập đoàn muốn rời vì nhiều lý do.

Dẫn ví dụ một tổ chức đến từ Đức, chuyên đào tạo nhân sự, lãnh đạo, phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực xử lý nước thải, đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, nói: “Trong thu hút FDI thế hệ mới, chúng ta cần thiết kế chính sách theo kiểu “may đo” cho từng nhà đầu tư chứ không phải may sẵn. Việt Nam cần cẩn trọng với việc quá nhiều thủ tục và chậm triển khai những dự án mà lẽ ra nằm trong tầm tay của mình. Việc trải thảm đỏ mời nhà đầu tư là trong khả năng, nhưng chúng ta đã bỏ mất nhiều cơ hội chỉ vì chính cán bộ đi theo dự án không nắm được vấn đề để phát triển lên, có báo cáo tốt để thực thi”.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta nghe thông tin nhiều về 15 công ty Nhật vào Việt Nam sau khi rời Trung Quốc. Phần lớn họ sản xuất thiết bị y tế, linh kiện điện thoại… những mảng này sử dụng nguồn lao động Việt Nam là tốt nhất. Để đón được “đại bàng” đúng nghĩa, ông Robert Trần lưu ý, Việt Nam đừng chú trọng ưu đãi về thuế quá mà tập trung chuyên môn hóa trong thủ tục hành chính, chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều điều thay đổi, nhất là cơ hội việc làm cho người dân rất quan trọng. Con số thất nghiệp tại các nước phát triển tăng mạnh, Việt Nam không nên chủ quan rằng sẽ có việc làm trong nay mai khi các nhà đầu tư lớn đến.
Phải cầu thị, chẳng hạn Việt Nam cần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, cải thiện kết nối hạ tầng và chi phí logistics phải cạnh tranh. Thứ hai, đừng có kiểu thu hút FDI “nhà nhà đều có”, địa phương nào cũng muốn có nhà đầu tư ngoại vào, phải tập trung vào một số địa phương có nền tảng hạ tầng kết nối tốt, có quỹ đất, có kinh nghiệm đã mời gọi thành công các “ông lớn” trước đó.
“Nên thu hút FDI tập trung, mỗi địa phương có một thế mạnh, không có nhà đầu tư nào muốn làm nhà máy kiểu mỗi địa phương một cái cả. Họ muốn tập trung nguồn lực vào một nơi để tiết kiệm tối đa chi phí và gầy dựng sự lớn mạnh”, TS Phan Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, bổ sung.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quản lý T.Ư, khu vực vốn FDI đang đóng góp gần 24% tổng đầu tư toàn xã hội, chiếm gần 20% GDP và chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu.
Trong xuất khẩu, những địa phương có nhiều dự án FDI đều nằm trong tốp chiếm kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Trong đó, những cái tên như TP.HCM, Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai… luôn nằm trong tốp và xuất khẩu chiếm phần lớn là các công ty nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.