Có những giờ học văn... rất khác

01/12/2024 12:10 GMT+7

Việc dạy học văn những năm trở lại đây rất khác so với trước, thay đổi hoàn toàn về cách dạy và cách học.

Lối truyền đạt một chiều thầy nói trò nghe, thầy giảng/đọc trò ghi trong những giờ học văn dần bị triệt tiêu. Thay vào đó là phát huy tương tác giữa trò và thầy, giữa trò và trò; tăng cường nhiều hơn kỹ năng nói bên cạnh kỹ năng viết vốn đặc thù của môn văn; lấy trò làm trung tâm của hoạt động dạy học; thay đổi cách kiểm tra, đánh giá...

Có những giờ học văn... rất khác- Ảnh 1.

Poster cho giờ học văn của học sinh lớp 10

ẢNH: NGỌC TUẤN

Không chỉ là học văn

Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa vào áp dụng, việc dạy học văn càng được "lột xác" nhiều hơn. Điểm dễ nhận thấy là học sinh được học đa dạng hơn về các kiểu loại văn bản (chương trình trước đây đa số là các văn bản văn học nghệ thuật), tăng cường hài hòa các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Và "nóng" nhất thời gian qua là việc ra đề kiểm tra, đánh giá lấy ngữ liệu là văn bản mới học sinh chưa được học, không có trong sách giáo khoa...

Tham gia dự giờ thao giảng cụm chuyên môn của giáo viên nhiều trường, thấy rõ tiết dạy học văn có rất nhiều điểm mới, rất thú vị... Chẳng hạn, với bài học về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều (ngữ văn lớp 11), cô Nguyễn Thị Vũ Huệ (giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã "trình làng" một dự án văn học hoành tráng "Đánh thức Truyện Kiều, thêm yêu văn học".

Điểm nhấn của buổi báo cáo dự án là các hoạt động (của 7 nhóm học sinh) được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Khảo sát, nghiên cứu về mức độ quan tâm của học sinh với văn học trung đại và tác phẩm Truyện Kiều; Thực hiện sản phẩm nhật dụng (lịch, truyện tranh, tem thư, áo, poster...) lấy cảm hứng từ Truyện Kiều; So sánh, đối chiếu nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du với nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân; Thực hiện sân khấu hóa một số đoạn trích Truyện Kiều và giới thiệu một số trò chơi... Cô Nguyễn Thị Vũ Huệ cho biết: "Đây là cách giúp học sinh thêm yêu mến Truyện Kiều và có ý thức tìm về với các sáng tác bất hủ của cha ông xưa thông qua việc học ngữ văn".

Có những giờ học văn... rất khác- Ảnh 2.

Học sinh sáng chế chiếc giỏ xách bắt mắt trong tiết học văn

ẢNH: NGỌC TUẤN

Đem đời sống vào giờ học văn bằng... STEM

Đầu tháng 11 vừa qua, cô Lê Thị Duyên (giáo viên môn văn Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng đã thực hiện thành công tiết thao giảng cụm với bài dạy "Báo cáo sản phẩm STEM – Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật". Tiết dạy học có sự kết hợp 3 hoạt động của học sinh, gồm: kỹ năng nói và nghe; hoạt động sân khấu hóa (học sinh tái hiện một đoạn trong vở kịch Nửa đời hương phấn), giới thiệu và trình bày bài hát Một vòng Việt Nam, giới thiệu và trình bày sản phẩm theo mô hình STEM (phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Đây là một cách dạy học rất mới, người dự giờ như đang tham dự một buổi... trình bày và biểu diễn nghệ thuật.

Có những giờ học văn... rất khác- Ảnh 3.

Học sinh sân khấu hóa cảnh Thị Mầu lên chùa trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính"

ẢNH: NGỌC TUẤN

Trong khi đó, một số giáo viên dạy văn tại Trường THPT Tây Thạnh lại có thiên hướng đem đời sống thực tiễn vào giờ dạy học văn. Khi dạy đến phần đọc của bài Chợ nổi - Nét văn hóa sông nước miền Tây (thuộc văn bản thông tin) ở lớp 10, cô Trương Tuyết Loan đã có một sáng kiến là giao việc cho học sinh các nhóm để làm sống lại không khí chợ nổi ngay trong không gian lớp học. Vì thế, không khí lớp học trở nên rất sôi nổi, vui tươi; các em học sinh có dịp được trổ tài khéo tay chế biến, bài trí sản phẩm.

Hay cô Trần Thị Dung, Trường THPT Tây Thạnh, trong một tiết học về thể loại văn thuyết minh ở lớp 11, có kết hợp báo cáo sản phẩm STEM. Theo đó, cô đã cho học sinh sáng tạo những ra sản phẩm rất "bắt mắt", có thể ứng dụng vào thực tế như các món ăn, những chiếc giỏ xách rất xịn, rất... "teen"...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.