Học văn qua thơ tự "chế"
Không bó hẹp khuôn khổ của giáo án, thầy Trịnh Văn Khoát, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8, TP.HCM), lồng ghép tiết mục văn nghệ do bản thân tự chuẩn bị, sáng tác thơ để tổng hợp kiến thức cho học trò.
Thầy Khoát chia sẻ, thách thức lớn nhất của người thầy là phải làm mới bản thân. Khi dạy tác phẩm Tây Tiến (Quang Dũng), thầy mang đàn guitar rồi từ thơ diễn thành bài hát cho cả lớp cùng nghe.
Đối với một số tác phẩm văn xuôi, thầy tự sáng tác lại thành thơ và ngâm cho học trò thưởng thức. Lấy bút danh Xuân Khoát, thầy thường xuyên đăng tải các bài thơ do mình tự chuyển tác và đến lớp chia sẻ, mời học sinh cùng “tỉ thí” với mình.
Thầy Khoát là một trong những “nghệ sĩ” đa tài của Trường THPT Võ Văn Kiệt |
NVCC |
Nguyễn Thuận Thành, sinh viên năm 3, Trường ĐH Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, cựu học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt, chia sẻ: “Thầy Khoát luôn tạo cho chúng tôi cảm hứng học văn vô bờ và cũng không soạn bài quá nhiều, mà luôn để 'đất' cho học trò được 'chơi' với văn”.
Thay vì hướng dẫn phân tích trên lớp, thầy Khoát giao cho các nhóm tự nghiên cứu tác phẩm văn học rồi đến lớp thuyết trình cho các bạn cùng nghe. Đối với những bài cần tư duy sâu, thầy tổ chức các buổi tranh luận, phản biện giữa các học sinh.
Thầy cho biết: "Cách học này sẽ khuyến khích các em tự đặt ra vấn đề mà mình thắc mắc, thông qua phản biện, học sinh sẽ cùng nhau giải quyết tác phẩm. Những vấn đề chưa được làm rõ, khai thác sâu, tôi sẽ đặt câu hỏi để học sinh suy nghĩ rồi giảng lại tổng kết buổi học".
Được thầy Khoát truyền cảm hứng theo nghề cầm phấn, Thạch Ngọc Diễm Phúc (sinh viên khoa sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhớ lại: “Thầy có một phong cách dạy văn rất đặc biệt, không thể nhầm lẫn với những giáo viên khác mà tôi gọi là “phong cách dân chủ”.
Theo Diễm Phúc, thầy Khoát không áp đặt kiến thức mà luôn khuyến khích tiếp thu kiến thức theo nhiều góc nhìn, chấp nhận những ý kiến mới và hoan nghênh tinh thần phản biện của học trò. "Cùng với sự hài hước, sử dụng các cử chỉ phi ngôn ngữ khi giảng dạy, thầy luôn tạo bầu không khí vui vẻ, thu hút cả lớp vào bài giảng của mình”, Phúc nói.
Bằng những bài thơ được đúc kết thú vị, học sinh tự tư duy, cảm nhận được các tác phẩm tưởng chừng khô khan, nặng lý thuyết |
Hoàng Mai |
Học bằng cách phản biện
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên ngữ văn Trường THCS Khánh Bình (Q.8, TP.HCM), cho biết, theo chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT, cô cho học sinh thuyết trình các tác phẩm văn học, nêu ý kiến phản biện bài giảng và giáo viên chốt lại vấn đề.
"Tôi khuyến khích học sinh trả lời mang tính gợi mở, không nằm trong sách giáo khoa và cuối tiết học các em sẽ vẽ sơ đồ tư duy, khái quát lại nội dung trong tiết học hôm đó. Với môn văn, tôi không cho học sinh chép văn mẫu mà hướng dẫn học sinh làm dàn ý chính và dàn ý chi tiết, tạo điều kiện để các em sáng tạo, không gò ép", cô Thương chia sẻ.
Đi đường sách để học văn
Thầy Trần Vũ Phi Bằng, giáo viên ngữ văn Trường THCS Phước Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM), có ý tưởng tặng sách, đưa học sinh đi đường sách để khơi tình yêu văn chương đến các em.
Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) là lựa chọn của thầy Bằng. Thầy cho biết, bản thân cũng thường dẫn học sinh đến các nhà sách, Thư viện Tổng hợp TP.HCM, Hội sách TP.HCM.
"Với những lớp phụ trách dạy văn theo phân công của nhà trường, tôi tổ chức cho các em đi sau khi thi học kì 1 xong. Đội tuyển học sinh giỏi thì đi thường xuyên hơn như vào mùa hè, sau khi thi học kỳ, chuẩn bị cho các kỳ thi về sách hoặc khi đường sách tổ chức sự kiện", thầy nói.
Thầy Bằng thường đưa học sinh đến các sự kiện về sách để truyền tình yêu sách và văn chương đến các em |
NVCC |
"Nhìn các em vui tươi, trên tay có được những quyển sách vừa chọn, nhiều em mong có lần đi tiếp theo, tôi cảm thấy rất hài lòng. Đường sách đã góp phần không nhỏ đưa cả trò lẫn thầy đi rất xa trên con đường tri thức. Nhiều em đã thành công với các cuộc thi như Lớn lên cùng sách, Đại sứ văn hóa đọc, Học sinh giỏi văn", thầy chia sẻ.
Là một trong những học trò thành công từ cách học mới mẻ của thầy Bằng, Kim Anh (giải nhất học sinh giỏi môn văn TP.Thủ Đức, năm học 2021-2022) cho biết, bản thân đã có sự tiến bộ rõ rệt cũng như được truyền lửa tình yêu văn chương mạnh mẽ.
Thầy Trần Vũ Phi Bằng chụp ảnh cùng học sinh tại trường |
nvcc |
Kim Anh tâm sự: "Em từng học văn khá yếu, việc thường xuyên bị điểm kém khiến em dần mất hứng thú với môn văn, chủ yếu chỉ học vẹt ở trường để đối phó với các bài kiểm tra. Nhưng thật may mắn khi em có cơ hội được học với thầy, chính cách dạy mới mẻ của thầy đã giúp em nhìn lại văn chương bằng cách khác, hứng thú hơn với môn học, và có được kết quả cải thiện hơn".
Cô học trò mong muốn trong tương lai việc dạy và học văn sẽ có những hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp văn học trở nên gần gũi, không còn là môn học trừu tượng khó hiểu.
"Học văn với em trước đây đơn thuần là việc ngồi ở lớp xem sách vở và lắng nghe thầy cô giảng bài. Với cách học trải nghiệm đi tới đường sách, em được tự mình khám phá tri thức, có cơ hội chia sẻ với các bạn những tác phẩm hay để giúp đỡ nhau đi lên trong việc học", Kim Anh tâm đắc.
Thầy Trịnh Văn Khoát cho rằng: “Cái tâm của người giảng dạy không chỉ ở những bài học, bởi vì internet đã phát triển, ai cũng có thể tự học và trau dồi tri thức qua mạng. Cái học sinh cần ở thầy cô là một người đồng hành trên con đường lĩnh hội tri thức của nhân loại, không phải người ban phát tri thức như ngày xưa nữa”.
Thầy Trần Vũ Phi Bằng tâm sự: "Tôi mong chương trình nhẹ nhàng hơn, việc dạy và học có sự kết hợp đa dạng với nhiều hình thức nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, kịch, phim... để học sinh có điều kiện tiếp nhận văn học ở mức độ tốt nhất".
Bình luận (0)