Có phải ban đại diện phụ huynh chỉ để đi xin tiền?

Bích Thanh
Bích Thanh
22/03/2023 16:08 GMT+7

Tại buổi khảo sát về các khoản thu trong nhà trường của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường THCS đã nói về làm thế nào để trường hoạt động mà không thu quỹ phụ huynh đồng thời đề nghị có những cách nhìn tích cực về hoạt động của tổ chức này.

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là đi xin tiền? - Ảnh 1.

Trường THCS Tô Ký (H.Hóc Môn, TP.HCM) không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh

T.K

Ngày 22.3, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM thực hiện buổi khảo sát về các khoản thu dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn H.Hóc Môn. Trong đó, có đề cập đến khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thu phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh, không cào bằng

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký (H.Hóc Môn), cho biết trường có 2.890 học sinh, tổ chức dạy và học 1 buổi/ngày. Ngoài các khoản thu dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục nhằm giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng sống như học tiếng Anh bản ngữ, tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống, thực hành vi tính, nghề phổ thông, tham quan ngoại khóa... thì năm học 2022-2023, trường không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh hay vận động các khoản tài trợ.

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là đi xin tiền? - Ảnh 2.

Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký nói về các khoản thu trong nhà trường

BÍCH THANH

Bà Hằng cũng chia sẻ câu chuyện thực tế, vào đầu năm học, nhà trường mới có ý định về vận động tài trợ cơ sở vật chất trường lớp theo Thông tư 16 để lắp máy lạnh cho lớp nhưng có một phụ huynh phản ánh nhà trường thu sai quy định, lạm thu lên mạng xã hội. Do vậy, nhà trường lo ngại nên đã không thực hiện.

Còn về quy định chung các khoản thu tại H.Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hóc Môn, thông tin, hiện nay các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện thực hiện thu 6 khoản thu, bao gồm thu dịch vụ cho hoạt động giáo dục như dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh, tổ chức học nghề, ngoại khóa, năng khiếu, kỹ năng sống...

Theo quy trình, vào mỗi năm học khi có văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT, UBND huyện, phòng GD-ĐT triển khai đến các trường lấy ý kiến phụ huynh và đề xuất mức thu. Từ đó, phòng GD-ĐT, phòng tài chính kế hoạch tham mưu UBND huyện xem xét quyết định mức thu năm học. Trong đó, các khoản thu thỏa thuận đảm bảo hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh, không cào bằng. Với các khoản thu hộ, chi hộ, trường lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh để thực hiện. Ông Hiệp cũng cho hay, từ năm học 2019-2020 đến nay, H.Hóc Môn giữ nguyên mức thu để giảm gánh nặng đối với phụ huynh.

Mô hình phụ huynh hỗ trợ làm công trình giáo dục

Trưởng phòng GD-ĐT H.Hóc Môn cũng thông tin: "Khoản quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường, có ban đại diện trường thu, có ban không thu. Thực tế các trường rất e ngại vận động quỹ cha mẹ học sinh trường mà hiện nay đang làm theo mô hình một số phụ huynh có tâm huyết hỗ trợ trường làm công trình giáo dục, các phụ huynh khác nhìn thấy cũng có thêm sự đóng góp cùng chứ nhà trường không kêu gọi vận động, làm thư quyên góp hay cào bằng mức thu. Cách làm này đang được nhân rộng để thực hiện xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho học sinh".

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là đi xin tiền? - Ảnh 3.

Trưởng ban đại cha mẹ học sinh chia sẻ tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM

BÍCH THANH

Sở GD-ĐT nên ban hành cẩm nang về ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa xuống các trường, từ đó có sự thấu hiểu hơn rằng ban hoạt động theo quy định của Bộ GD-ĐT, có ý nghĩa chứ không phải chỉ là đi xin tiền. Từ sự thấu hiểu đó sẽ huy động được nguồn lực hỗ trợ nhà trường rất hiệu quả, chứ nếu không có sự đóng góp thì rất xót xa.

Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Tô Ký (H.Hóc Môn)

Tham dự buổi làm việc với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Tô Ký (H.Hóc Môn), chia sẻ: "Con em vào học tại trường, tôi tham gia vào ban đại diện để cùng chăm lo cho các con chứ thực tế không biết làm thế nào, không có lớp nào dạy làm ban đại diện cha mẹ học sinh cả. Trong khi đó xã hội luôn có cái nhìn tiêu cực nhưng nếu nhìn ở một góc độ tích cực thì có ý nghĩa".

Theo ông Thành, tại Trường THCS Tô Ký hiện nay, mỗi lớp có quỹ lớp riêng để phục vụ liên hoan cho học sinh, giúp đỡ học sinh nghèo trong lớp... Riêng ban đại diện cha mẹ học sinh trường thì không thu quỹ, khi có sự kiện cần hỗ trợ thì các thành viên của ban chấp hành chung tay cùng chăm lo cho học sinh.

Ông Thành đưa ra ý kiến: "Sở GD-ĐT nên ban hành cẩm nang về ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa xuống các trường, từ đó có sự thấu hiểu hơn rằng ban hoạt động theo quy định của Bộ GD-ĐT, có ý nghĩa chứ không phải chỉ là đi xin tiền. Từ sự thấu hiểu đó sẽ huy động được nguồn lực hỗ trợ nhà trường rất hiệu quả, chứ nếu không có sự đóng góp thì rất xót xa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.