Có tiếp tục điều chỉnh chương trình giáo dục trong năm học mới?

11/08/2022 08:00 GMT+7

Năm học 2022 - 2023 có tiếp tục thực hiện những điều chỉnh của chương trình năm ngoái nữa không, nếu không thì thực hiện như thế nào? Băn khoăn này cần được hướng dẫn kịp thời của Bộ GD-ĐT .

Vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định 2159/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên. Căn cứ khung thời gian năm học của Bộ, các địa phương xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình.

Bộ GD- ĐT cần sớm có hướng dẫn về thực hiện chương trình giáo dục mới

Năm học 2021 - 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để thích ứng trong tình hình mới Bộ đã có nhiều chỉ đạo trong việc dạy học, hướng dẫn thực hiện chương trình: khai giảng trực tuyến, dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dạy học trên truyền hình, kiểm tra trực tuyến…

Riêng về thực hiện chương trình 2021 - 2022, do dịch bệnh, Bộ cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh nội dung dạy học. Đặc biệt, Bộ yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kỳ những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện…

Năm học 2022 - 2023 sắp đến, dịch bệnh Covid-19 tuy vẫn còn tồn tại nhưng cơ bản đã được khống chế, mọi hoạt động đều đã trở lại bình thường trong tình hình mới, Bộ cũng sớm có hướng dẫn về thực hiện chương trình giáo dục mới thay thế cho Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH vì năm học mới sắp bắt đầu và Bộ cũng đã ban khung thời gian năm học.

Đối với những nội dung dạy học mà Bộ đã hướng dẫn điều chỉnh (giảm tải) trong năm học 2021 - 2022 thì năm học 2022 - 2023 có tiếp tục thực hiện nữa không, nếu không thì thực hiện như thế nào cũng cần được hướng dẫn kịp thời.

Việc Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục năm 2022 - 2023, sẽ giúp nhà trường, thầy cô thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch dạy học (phân phối chương trình); kế hoạch bài dạy; kiểm tra đánh giá… thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 (đối với lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12) và chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp còn lại. Ngày 21.7 Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Thông tư hướng dẫn có 3 yêu cầu cần thực hiện: Đổi mới cách dạy và cách học; đổi mới cách đánh giá học sinh (HS); tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học.

Với nhiều thầy cô, việc thực hiện yêu cầu đổi mới cách đánh giá HS trong môn ngữ văn chính là khâu đột phá mạnh, sẽ làm thay đổi căn bản cách dạy và cách học môn ngữ văn, triệt tiêu việc học văn mẫu. Lâu nay HS quen với cách kiểm tra như thế nào thì học như thế đó. Nói cách khác việc đổi mới cách ra đề thi sẽ tác động đến phương pháp dạy và học môn ngữ văn.

Bản thân văn mẫu không sai, chỉ tiếc rằng cách dạy của thầy cô, cách kiểm tra hiện nay, ngay cả đề thi tốt nghiệp THPT 2022 của Bộ buộc các em phải dựa và làm theo văn mẫu một cách máy móc, rập khuôn thiếu sự sáng tạo, chính kiến quan điểm, lập luận phản biện của cá nhân.

Để thay đổi, trước hết thầy cô phải là những người năng động, sáng tạo trong việc dạy - học, truyền thụ kiến thức cho HS từ đó mới có những HS năng động, sáng tạo, tích cực chủ động, nói không với việc dạy theo giáo án mẫu, văn mẫu, đề thi mẫu… Khi đề kiểm tra môn ngữ văn không yêu cầu thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn thì tự nhiên văn mẫu không còn đất để tồn tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.