Cổ vật “về nhà” nhờ Công ước 1970 của UNESCO

30/10/2022 07:01 GMT+7

Hai bộ sưu tập cổ vật Việt đã được hồi hương từ Đức và Mỹ nhờ Công ước 1970 của UNESCO.

Việc liên lạc và chuyển giao 18 cổ vật Việt từ Đức đã diễn ra trong thời gian 11 tháng (từ 3.2017 - 2.2018). Theo đó, đây là nhóm hiện vật do Cơ quan Phòng chống tội phạm Công an Berlin thu giữ tại cửa hàng một thương nhân VN từ cuối năm 2016. “Họ gửi thông tin về cho mình xem có phải đó là hiện vật của VN hay không. Lúc đó, Bộ VH-TT-DL giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Di sản thẩm định. Những cổ vật Việt đó vốn không phải là đồ của bảo tàng mất, mà là đồ trôi nổi. Sau khi xác minh nguồn gốc đúng là của VN, Đại sứ quán VN tại Đức, Bộ VH-TT-DL và Bộ Ngoại giao Đức đã hoàn thiện các thủ tục để hoàn trả các hiện vật trên về VN”, nguồn tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết.

Các hiện vật trở về từ Đức năm 2018 gồm 10 hiện vật chất liệu đá, 8 hiện vật chất liệu đồng, là công cụ sản xuất và vũ khí của người xưa. Trong đó, có 5 hiện vật văn hóa Đồng Nai cách ngày nay 4.000 - 3.500 năm; 5 hiện vật Hậu kỳ Đá mới, Sơ kỳ Kim khí Tây nguyên cách ngày nay 4.000 - 3.500 năm; 8 hiện vật văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm.

Ông Vương Duy Biên khi đương chức Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL (thứ hai từ trái sang, hiện đã nghỉ hưu), ông Phạm Sanh Châu trong xem xét các nhận hiện vật hồi hương từ Đức hồi 2018

tl

TS Nguyễn Văn Cường, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khi đó khẳng định: “Đây là hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của CHLB Đức trong việc thực hiện Công ước của UNESCO năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh và buôn bán trái phép các tài sản văn hóa mà VN và CHLB Đức là thành viên, đồng thời tuân thủ luật pháp về di sản văn hóa của hai nước”.

Các nước hồi hương cổ vật như thế nào ?

Ấn Độ trong những năm gần đây đã hồi hương nhiều cổ vật văn hóa từ nhiều nước như Mỹ, Canada, Đức, Úc... Ấn Độ là một nước ký kết Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, được UNESCO thông qua vào năm 1970.

Đối với các cổ vật Ấn Độ ở nước ngoài có xuất xứ từ trước năm 1970, chính phủ Ấn Độ được cho là vẫn có quyền cho hồi hương nếu chúng được chứng minh là bị đánh cắp, cướp bóc hoặc xuất khẩu bất hợp pháp từ Ấn Độ. Theo một bài viết trên cổng thông tin pháp lý Lexology, chính phủ Ấn Độ hồi hương một món đồ cổ thông qua một quy trình ngoại giao, bằng cách đưa ra bằng chứng về việc món đồ cổ đó đã bị đánh cắp khỏi Ấn Độ. Trong các hoạt động hồi hương này, các tổ chức phi chính phủ như Dự án Niềm tự hào Ấn Độ (India Pride Project, IPP) đã thông báo cho chính quyền bất cứ khi nào họ bắt gặp cổ vật Ấn Độ có thể đã bị buôn lậu ra khỏi Ấn Độ.

Tại Mexico, từ khi Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador nhậm chức vào năm 2018, chính quyền của ông đã đẩy mạnh việc hồi hương di sản văn hóa cổ và đã đưa về nước gần 6.000 đồ vật. Theo Artnet News, các quan chức Mexico đã chủ động can thiệp để ngăn chặn các vụ mua bán cổ vật văn hóa của Mexico ở nước ngoài. Đích thân Bộ trưởng Văn hóa Alejandra Frausto Guerrero đã can thiệp vào 4 vụ đấu giá trong 3 năm qua tại các thành phố ở châu Âu.

Vi Trân

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết tới đây bảo tàng lại tiếp nhận một bộ sưu tập hiện vật hồi hương tương tự nhưng từ Mỹ. Thông tin từ bảo tàng cho biết trong nhóm hiện vật này có một hiện vật Đông Sơn. Sau khi tiếp nhận, bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý các hiện vật này, hướng tới đưa vào trưng bày. Mặc dù vậy, khả năng làm hồ sơ Bảo vật quốc gia cho các nhóm hiện vật này không cao vì đây là các hiện vật mua bán trôi nổi nên khó xác định nguồn gốc.

Theo thông tin từ Bộ VH-TT-DL, từ trước tới nay mới có 2 nhóm cổ vật Việt trở về từ nước ngoài nhờ Công ước 1970 như vậy. Công ước này có tên đầy đủ là “Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”, được Đại hội đồng UNESCO họp tại Paris thông qua năm 1970. Tham gia công ước này, VN cũng được tham gia các lớp đào tạo về cổ vật như đào tạo cho các nhân viên bảo tàng, hải quan. Chúng ta hiện chưa phát hiện được nhóm hiện vật văn hóa nào của nước ngoài bị mua bán trái phép tại VN để đưa hồi hương cho các nước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.