Tôi phải nhắc bạn như vậy vì những lần đến sau 8h sáng tôi thường nhận được cái lắc đầu cùng câu nói quen thuộc của chủ quán: “Hết chả rồi em ơi!”. Hết chả thì còn gì là ngon, là hấp dẫn nữa.
Gọi là quán chứ thực sự chỉ gồm quầy cơm cùng hơn chục bộ bàn ghế bày trong khuôn viên của một căn biệt thự đã rất cũ kỹ. Quán chỉ bán trong buổi sáng, đến tầm 8h30 hoặc cùng lắm là 9h thì sạch bong. Như đã có lần tôi nói về nguồn gốc món cơm tấm này, từ xa xưa đây là món ăn của giới bình dân lao động miệt lục tỉnh thuộc Nam Kỳ, rồi theo chân người dân thôn quê lên thành thị, góp mặt trong bữa ăn của giới lao động, học sinh sinh viên, viên chức… Cơm tấm ngày xưa chỉ bán buổi sáng, rồi dần dần theo thị hiếu khách hàng thành ra bữa ăn trưa, ăn tối, rồi nay còn có thêm “cơm tấm đêm” chuyên bán vào giấc khuya.
Quán này có món chả khá ấn tượng. Thành phần miếng chả không nhồi thịt cua hào phóng như thường thấy mà chỉ đơn giản là thịt xay, trứng, nấm mèo, bún tàu cũng một số gia vị khác. Chả được nướng ở nhiệt độ vừa phải tạo ra mùi thơm dịu mà khi dĩa cơm dọn ra bạn sẽ sớm cảm nhận được. Ăn vào thấy bùi bùi, ngọt ngọt, cái ngọt tổng hòa của thịt, trứng chứ không phải gia vị. Dĩa cơm sườn, bì, chả cùng chén nước mắm ớt pha sẵn luôn là món tôi hay gọi nhất. Thường thì có 2 cách ăn cơm tấm: hoặc bạn đổ hết chén nước mắm vào, hoặc chỉ từng muỗng rồi chan tới đâu ăn tới đó. Riêng tôi thích cách sau vì nó dễ cảm nhận phần cơm nóng cùng các món ăn kèm hơn. Nước mắm ở đây khá mặn, vậy mà hài hòa đến lạ kỳ khi trộn chung với bì, hoặc chan lên miếng chả hoặc sườn. Hẳn là một phần ăn không thể không gọi khi đã cất công đến đây.
Ngoài ra, xíu mại cũng là một món đáng chú ý khác. Nói về xíu mại, cho tôi xin nhắc lại một chút: đây là món ăn nằm trong thực đơn điểm tâm (dim sum) của người Hoa gốc Quảng. Khi du nhập vào Việt Nam, xíu mại đã đi vào bữa ăn hàng ngày với đủ hình thức như kẹp chung với bánh mì thành món bánh mì xíu mại – có thể ăn chung với thịt, patê, sốt, đồ chua; hoặc đi vào dĩa cơm tấm mỗi sáng – “nằm chung” với miếng chả, miếng sườn, bì… Độc đáo là vậy, vì người miền Nam đã “chỉnh sửa” khá nhiều cho hài hòa với các món ăn có sẵn. Xíu mại miền Nam thường có sốt cà chua đi kèm chứ không đơn điệu như nguyên bản, cũng khiến tôi đôi lúc liên tưởng đến món meatball (thịt viên) mà người Ý thường dùng chung với mì spaghetti. Một sự cộng hưởng thú vị khác chăng?
Phần nhân xíu mại ở đây làm khá vừa miệng, đi cùng chút sốt cà đi kèm làm cho dĩa cơm thêm phần hấp dẫn. Nếu muốn ăn xíu mại, tôi nghĩ bạn nên gọi chung với chả và trứng ốp la. Vì khi chan nước mắm, trộn cơm cùng nước sốt và trứng mới thấy hết cái ngon của nó.
Sài Gòn không thiếu những tiệm cơm tấm bề thế bán từ sáng đến khuya. Vậy mà hương vị dĩa cơm tấm buổi sáng ở cái quán nhỏ có phần hơi lụp xụp này vẫn lưu luyến tôi không dứt. Mỗi khi ghé đây tôi lại hay liên tưởng hơn trăm năm trước, khi cơm tấm chỉ là món ăn sáng của giới bình dân Nam kỳ lục tỉnh, thưở ban sơ khi người ta còn tận dụng những hạt tấm – chút đầu mày màu trắng đục nơi đầu hạt gạo – và gạo gãy khi trong lúc xay xát để nấu thành cơm.
P.V
Cơm tấm Ngô Thời Nhiệm
77 Ngô Thời Nhiệm, phường 04, quận 03
Mở cửa: 6h đến 9h sáng
Giá: Cơm sườn bì chả (27.000đ/dĩa); cơm chả ốp la xíu mại (27.000đ/dĩa)
Bình luận (0)