Ẩm thực
Đa sắc cơm tấm Sài Gòn
Để nói về cơm tấm Sài Gòn, tôi nghĩ có lẽ là... vô tận. Người Sài Gòn ăn cơm tấm chắc cũng nhiều như người Hà Nội ăn phở, hoặc có khi là nhiều hơn. Vì làm sao thống kê nổi có bao nhiêu tiệm cơm tấm ở Sài Gòn này? Thú vị là ở chỗ, từ xa xưa đây là món ăn của giới bình dân lao động miệt lục tỉnh thuộc Nam kỳ. Rồi cơm tấm theo chân người dân thôn quê lên thành thị, góp mặt trong bữa ăn của giới lao động, học sinh sinh viên, viên chức… Ngày đó món ăn này được xem như thứ "cơm nhà nghèo" do cách tận dụng những hạt tấm (chút đầu mày màu trắng đục nơi đầu hạt gạo) và gạo gãy trong xay xát để nấu thành cơm. Còn ngày nay ư? Trớ trêu thay hàng ngày người ta phải tốn công làm nát hạt gạo thường để tạo ra gạo tấm phục vụ cho gần 10 triệu dân Sài Gòn này. Nói về cơm tấm, cũng là nói về thói quen ăn cơm dĩa của người Sài Gòn. Vào khoảng năm 1945, nhà văn Sơn Nam đã thuật lại việc ra đời của "cơm dĩa" như sau: "Món ăn tự chọn phổ biến nhất là cơm dĩa, dùng muỗng nĩa, ăn với thịt sườn heo nướng, hoặc vài con tép, trứng chiên, thịt heo quay, trứng vịt kho. Cơm lúc ban đầu là sáng kiến của người Hải Nam, làm đầu bếp cho người Âu, áp dụng cho giới bình dân. Chợ Bến Thành từ xưa nổi danh nơi bán cơm ngon, sạch và rẻ nhất, hoặc ăn bì bún, nem nướng, bánh xèo thay cơm".
Ẩm thực
Đi ăn cơm sườn chéo ở Phú Nhuận
Quán cơm tấm này nằm ngay gần ngã tư Trần Huy Liệu - Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), thu hút thực khách bởi "hệ thống" nướng sườn độc đáo ngay trước cửa quán. Gọi là "hệ thống" bởi tất cả đã được tự động hóa, chủ quán chỉ việc ướp sườn, xiên vào que sắt rồi cho lên bệ nướng. Các que sắt sẽ tự quay đều để miếng sườn được chín kỹ, thấm đều từ trong ra ngoài mà hoàn toàn không bị dai. Công đoạn còn lại là dùng kéo cắt đi những phần bị khét rồi dọn lên một mâm riêng. Khách đến quán lúc nào cũng sẽ được phục vụ mẻ sườn nướng gần nhất, hoặc đôi khi phải chờ vì quán muốn đảm bảo miếng sườn lúc dọn ra phải nóng và thơm nhất. Tôi cũng hơi thắc mắc khi quán để tên là "sườn chéo". Theo lời chủ quán, để món sườn nướng ở đây khác biệt so với các quán khác thì loại sườn chủ đạo là sườn non - do loại sườn này nằm chéo nhau nên gọi là "sườn chéo" luôn. Sườn non ở đây không được cắt nhỏ như thường thấy trong các món quen thuộc như sườn non kho tộ, kho tiêu, xào chua ngọt hay nướng như ở quán cơm tấm Nguyễn Du, mà lại được để nguyên miếng khá to. Cái khác biệt của sườn non nướng nguyên miếng so với kiểu sườn nướng cốt lết (như thường thấy ở các quán cơm tấm khác ở Sài Gòn) có lẽ nằm ở chỗ tỉ lệ giữa phần thịt và mỡ hầu như ngang nhau, thực khách vừa cảm nhận được vị đậm đà của phần thịt nạc được ướp rất vừa miệng, cũng như vị béo ngậy của phần mỡ nóng. Tuy vậy nhưng hoàn toàn không tạo cảm giác ngán mà ngược lại còn khiến thực khách phải ăn đến miếng cuối cùng, thậm chí dùng tay "dọn" sạch sẽ cả miếng sườn mới đã.
Ẩm thực
Cơm tấm Nguyễn Du: Độc đáo với sườn non nướng
Ở đất Sài Gòn này, giữa vô vàn những món ngon đến từ khắp nơi và ở lại, điều gì ấn tượng và lưu luyến bạn nhất? Với tôi thì đó là cơm tấm – món ăn bình dị chủ yếu phục vụ cho bữa sáng và có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Cái lạ của món ăn này là nó không có mẫu số chung , nghĩa là mỗi chỗ nấu mỗi kiểu. Nước mắm cũng khác, có quán thì mặn ơi là mặn, có quán nêm vừa vừa mà cũng có nơi thì ngọt ngây hoặc thắng với đường cho sệt sệt như mật ong. Hạt gạo cũng khác nhau, đặc biệt còn có những chỗ còn nấu chung với lá dứa cho có mùi thơm dịu. Đó là chưa nói đến vô vàn những cách ướp miếng sườn nướng, những kiểu trộn bì, cách làm miếng chả trứng … Chỉ kể sơ sơ ta cũng có thể mường tượng ra bao nhiêu phiên bản của cơm tấm Sài Gòn này. Giống nhau ở chỗ thành phần chính là gạo tấm nấu lên ăn chung với sườn, bì, chả, trứng ốp la… nhưng cũng khác nhau ở chính cách chế biến từng thành phần đó. Bạn có thể dễ dàng nhận ra những tương đồng trong món bún bò ở quán này với quán kia, của những bún riêu, cháo lòng, bánh canh… nhưng để nói 2 quán cơm tấm giống nhau thì thật khó. Vì không khác vị nước mắm thì cũng khác nhau ở miếng sườn, miếng chả hay là cách trộn bì...
Ẩm thực
Cơm tấm An Dương Vương: Đa sắc cơm tấm Sài Gòn
Nếu đi ngang con đường rộng lớn An Dương Vương khúc từ Nguyễn Văn Cừ đổ xuống, hẳn bạn sẽ chú ý quán cơm tấm khá bề thế lúc nào cũng nghi ngút khói nướng sườn cùng cái bảng thật to “Cơm tấm An Dương Vương”. Quán bán từ sáng đến tối nên thực đơn cũng khá phong phú. Đặc biệt là giấc trưa trở đi bạn sẽ vô cùng phân vân bởi có quá nhiều lựa chọn cho bữa ăn. Cơm tấm như ta đã biết thường ăn ngon nhất là với bì, chả, sườn, ốp la hay là xíu mại. Tuy nhiên quán này đã khá tinh tế khi phát triển rất nhiều món mới ăn kèm mà không làm mất đi cái thi vị của cơm tấm. Đơn cử như món lạp xưởng tươi vốn là đặc sản miền Tây kết hợp khá hài hòa với bì & chả. Mà thành phần của món này cũng khá đặc biệt: thịt nạc heo lúc còn nóng được xay và ướp với rượu Mai quế lộ, tỏi, đường, tiêu hột… Mỡ heo được xắt nhỏ cỡ hạt lựu rồi mới ướp cùng đường và gia vị cho có độ trong thì mới trộn với thịt. Ruột heo làm phần da bao bên ngoài phải là loại ruột vừa – không gia quá mà cũng không non quá. Sau khi đem phơi và rửa qua nước ấm cho tan hết mỡ còn sót lại, từng xâu lạp xưởng được treo trong những chiếc lu để sấy bằng than (lửa phải để liu riu). Cái hay của món lạp xưởng tươi tại quán này là không quá nhiều mỡ, đã vậy khi cắn vào cảm giác như cắn một miếng thịt tươi với đầy đủ vị mặn, ngọt cùng mùi tiêu thơm lừng và cay cay. Khi ăn cùng cơm bì chả, miếng lạp xưởng tươi này có thể thay thế sườn nướng mà vẫn không làm giảm đi cái hấp dẫn của dĩa cơm.
Ẩm thực
Cơm tấm Ngô Thời Nhiệm: Đừng đến sau 8h sáng
Tôi phải nhắc bạn như vậy vì những lần đến sau 8h sáng tôi thường nhận được cái lắc đầu cùng câu nói quen thuộc của chủ quán: “Hết chả rồi em ơi!”. Hết chả thì còn gì là ngon, là hấp dẫn nữa. Gọi là quán chứ thực sự chỉ gồm quầy cơm cùng hơn chục bộ bàn ghế bày trong khuôn viên của một căn biệt thự đã rất cũ kỹ. Quán chỉ bán trong buổi sáng, đến tầm 8h30 hoặc cùng lắm là 9h thì sạch bong. Như đã có lần tôi nói về nguồn gốc món cơm tấm này, từ xa xưa đây là món ăn của giới bình dân lao động miệt lục tỉnh thuộc Nam Kỳ, rồi theo chân người dân thôn quê lên thành thị, góp mặt trong bữa ăn của giới lao động, học sinh sinh viên, viên chức… Cơm tấm ngày xưa chỉ bán buổi sáng, rồi dần dần theo thị hiếu khách hàng thành ra bữa ăn trưa, ăn tối, rồi nay còn có thêm “cơm tấm đêm” chuyên bán vào giấc khuya.
Ẩm thực