Tình yêu tuổi học trò chính ra sự rung động đầu đời của trái tim. Đã gọi là “lời nói từ trái tim” thì làm sao ngăn cản được nếu đó là thứ tình cảm trong sáng. Tình cảm trong sáng ấy sao phải bị cấm đoán? Chúng ta đều biết rằng, trong các môi trường xã hội nói chung và trong môi trường giáo dục nói riêng cần phải có những luật định, những điều cần nghiêm cấm, đó là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, có những điều cấm không phù hợp thì sẽ gây ra những mặt trái của nó, đôi lúc lại đem đến những hậu quả xấu, trong đó có việc cấm yêu tuổi học trò.
Người lớn ơi! Sao người lớn cái gì cũng đúng vậy? Với tình yêu tuổi học trò, xin người lớn hãy lắng nghe con chia sẻ hơn là cấm đoán. Người lớn hãy đóng vai trò người bạn của con mình, học trò mình thì người lớn sẽ chia sẻ phần nào cùng những cô cậu tuổi mới lớn. Nếu khi người lớn cấm con yêu thì người lớn hãy nghĩ về mình ngày trước - thời đi học của mình hay đặt trường hợp mình là người trong cuộc, người lớn sẽ biết mình cần làm gì với vai trò là cha mẹ, là thầy cô.
Làm cha làm mẹ, ai mà chẳng muốn con mình chăm ngoan, học giỏi. Nhưng khi con biết yêu lại cấm con mà không tìm hiểu động cơ của con khi biết yêu. Có rất nhiều trường hợp, từ cậu học trò lười học, hay nói tục, đánh lộn,… khi biết yêu, cậu ấy đã thay đổi thành một học trò gương mẫu; có cô học trò thường ngỗ nghịch, chanh chua,… trở thành cô học trò dịu dàng, chỉn chu..., khi biết yêu thì đó là mặt tốt, mặt đáng khen, sao người lớn không suy xét và ủng hộ tình yêu ấy, sao người lớn chỉ nghĩ một chiều - yêu ảnh hưởng xấu tới việc học, yêu không đúng?
Là một người thầy gắn bó trong sự nghiệp giáo dục, tôi chưa lúc nào cấm học trò yêu và cũng không khuyến khích học trò yêu. Khi trái tim những cô cậu học trò lỗi nhịp, tôi thường dạy các em động cơ sau khi biết yêu. Định hướng những cái hay, cái đẹp, cái tốt để tình yêu đầu đời mãi là tình cảm khó phai. Tôi dạy: “Từ những học trò chăm ngoan, học giỏi, khi yêu mà học hành sa sút, tinh thất bất ổn… thì cần xem lại. Yêu như vậy không nên yêu làm gì. Từ những học trò học yếu, tác phong chưa tốt,… khi yêu trở thành những học trò tiến bộ thì điều đó đáng khen, đáng khuyến khích”. Và người thầy cần tinh tế khi “giải quyết” những tình huống liên quan đến tình yêu của học trò. Cấm không phải là điều tốt. Cần tế nhị để hướng điều tốt cho các em hơn là áp đặt. Nếu cấm yêu tuổi học trò thì làm gì có những bài thơ tình, những tình khúc về tình yêu thời áo trắng làm say đắm lòng người.
Các bậc làm cha làm mẹ đã trải qua thời học sinh, và rất nhiều người từng rung động đầu đời ở tuổi học trò, sao bây giờ con mình cũng yêu như thế lại bị ngăn cấm? Phải chăng người lớn rút ra kinh nghiệm tình yêu tuổi học trò là nhảm nhí, là sai lầm? Hãy là người chia sẻ cùng con cái trước rung động đầu đời của con. Có rất nhiều trường hợp tình yêu tuổi học trò đã chắp cánh cho học sinh học giỏi hơn, đẹp hơn trong mắt mọi người...
Con biết yêu khi còn đi học, có đáng lo?Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, trẻ có sự chuyển biến lớn về hành vi cư xử đối với cha mẹ, bạn bè, nhất là trẻ bắt đầu biết rung động với bạn khác giới.
Con biết yêu khi còn đi học, cha mẹ sẽ làm gì? Lo lắng thái quá, ngăn cản, cấm đoán con yêu hay dạy con yêu đúng, để con hướng đến những mục tiêu tốt đẹp, trưởng thành hơn... Và dù có quyết định thế nào đi nữa, thì cách quan tâm, giáo dục của cha mẹ trong thời điểm này là điều vô cùng quan trọng.
Xung quanh chủ đề Con biết yêu khi còn đi học, có đáng lo?, bạn đọc có thể gửi những câu chuyện, những chia sẻ của mình về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết của bạn đọc được đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)