Bén duyên với nghề
Hảo (28 tuổi) hiện sống tại Hà Nội. Bố Hảo làm nghề mộc nên từ nhỏ cô đã phụ bố các việc nhỏ như: cò cưa, giữ gỗ, đóng đinh… Quan sát bố làm, Hảo nhận thấy nghề mộc giúp cô hoàn thiện nhiều tố chất. Đó là sự kết hợp giữa khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật và rèn luyện tư duy logic, tính cẩn trọng, tỉ mỉ…
Năm Hảo 16 tuổi, bố cô bị tai biến, không làm nghề được. Cô tiếc và muốn làm điều gì đó để tiếp tục sự nghiệp dở dang của bố.
|
Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Hảo tiếp tục bén duyên với gỗ. Đi chợ thấy người ta bán tràn lan bông tai nhưng toàn bằng nhựa, sắt, inox, Hảo nảy ra ý tưởng thiết kế bông tai bằng gỗ tái chế vừa độc đáo, vừa thân thiện với môi trường.
Hảo cho biết, làm bông tai gỗ rất vất vả, trải qua nhiều công đoạn như vẽ tay - phác họa ý tưởng, dùng màu nước để tô lên giấy, sau khi định hình được hình dáng và màu sắc thì mới làm trên gỗ. Khó khăn nhất là công đoạn cắt gỗ. Vì phải dùng máy to dạng cưa xẻ nên cũng run, cầm một chút là mỏi nhừ. Các đôi bông tai rất nhỏ, chi tiết bé, nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao. Phải xử lý góc cạnh kỹ càng thì sản phẩm mới đẹp.
“Mình làm các sản phẩm sáng tạo, không theo khuôn mẫu nhất định, đôi khi chỉ cắt những khoanh gỗ từ cành cây rồi viết chữ số, làm xâu chuỗi hay cắt thành các con vật… Mỗi sản phẩm tốn 1 - 2 tiếng đồng hồ để hoàn tất. Có những sản phẩm khắc trổ kỳ công mình mất 2 - 3 ngày mới xong”, Hảo nói.
Thất bại thường xuyên vì kiến thức về làm mộc hạn hẹp, Hảo tự làm, tự mày mò, tự cho mình bài học và kinh nghiệm để các sản phẩm sau tốt hơn. Những sản phẩm của Hảo hiện được đông đảo bạn trẻ đón nhận vì sự độc đáo, mộc mạc và có hồn, bởi người làm đặt tâm huyết và chân thành trong đó.
Gia đình và bạn bè rất ủng hộ Hảo. Tuy hiện tại không ở cùng bố mẹ, nhưng khi làm ra được sản phẩm mới hay gặp vấn đề gì trong việc xử lý gỗ…, Hảo đều gọi về khoe và hỏi bố. Ông cũng vui vì con gái học nghề từ bố.
|
Tâm huyết với đồ chơi trẻ em
Khi còn là sinh viên năm cuối cách đây 5 năm, Hảo và hai người bạn mê làm đồ trang trí nhỏ xinh nên góp nhau 300.000 đồng đủ mua một máy bắn đinh cũ, một máy khoan bắt vít và một máy cắt. Sau đó, cả nhóm ra xưởng mua gỗ, cắt xẻ và đóng đồ từ những tấm gỗ pallet, chế thành chậu trồng cây, đóng kệ giá sách, thiết kế ban công, làm vườn trồng rau cho trường mầm non… rồi cả cải tạo không gian xanh - khu vui chơi cho trẻ con trong phường và đóng đồ từ thiện cho trường học ở Hà Giang.
Nhiều dự án khiến cô bận túi bụi vì vừa thiết kế, vừa đi kiếm gỗ, vừa thi công… Tiền không thấy đâu nhưng Hảo vui vô cùng vì thấy mình làm ra những đồ thật có ích. Thế nhưng, điều mà cô trăn trở nhất là lần thiết kế cảnh quan, làm sân chơi, vườn trường và các vật dụng lớp học cho trẻ em vùng cao Hà Giang tại một bản dân tộc thiểu số giáp biên giới. Trên bản không có điện, vì thế các sản phẩm thay vì làm bằng máy thì phải dùng tay, Hảo và mọi người chật vật lắm mới cắt được khúc gỗ, làm gì cũng phải dùng sức, vô cùng vất vả. Nhìn những ánh mắt thích thú của bọn trẻ vây quanh Hảo và nhóm bạn đang làm đồ chơi, Hảo rất thích thú và quyết tâm làm thật đẹp để trẻ em ở bản thêm niềm vui.
“Tâm hồn trẻ em trong sáng với góc nhìn hoàn toàn khác người lớn, nếu mình muốn đồ chơi thực sự thu hút thì phải nắm được cái hồn của nó. Hơn nữa, mình muốn mang đến các sản phẩm đơn giản nhưng đầy tính sáng tạo và đặc biệt, nó phải an toàn, có độ bền cao”, Hảo nói.
Bình luận (0)