Hát từ giao thừa đến mùng 1 tết
Nếu tết là dịp để nhiều người đoàn tụ, xum vầy bên người thân thì ngược lại đó là thời điểm hoạt động không nghỉ của những gánh hát lô tô. Gác lại những cái tết bên gia đình, nghệ sĩ hát lô tô mưu sinh để kiếm thu nhập và phục vụ nhu cầu giải trí cho khán giả.
Là thành viên của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, Nguyễn Thanh Trí (nghệ danh Nhã Vy, ngụ Gò Công, Tiền Giang) đã 9 năm nay không biết mùi vị tết quê. Tết năm nào Nhã Vy cũng lưu diễn theo đoàn ở các tỉnh kể cả giao thừa hay mùng 1, mùng 2… để kiếm tiền trang trải cuộc sống và gửi về phụ cho gia đình.
Nhã Vy tâm sự: “Tháng tết, Vy có hơn 20 buổi diễn, hầu như ngày nào cũng có lịch đi. Không về tết mình nhớ nhà lắm, trong năm thỉnh thoảng mình về nhà nhưng mà tết thì công việc của mình là mang niềm vui cho người khác. Sau tết, nếu có lịch thì mình vẫn đi tiếp còn không thì về với gia đình”.
|
|
|
Nhã Vy đã bươn chải từ sớm, làm qua nhiều công việc như: bảo vệ, phục vụ, thợ may, in giấy tiền vàng, bán dép, chạy xe công nghệ… với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi vào đoàn hát lô tô, Vy trang trải được cuộc sống và để dành được chút ít để gửi về phụ gia đình.
Nhã Vy kể về chuyện nghề: “Mỗi người sẽ có một đặc điểm, thế mạnh riêng nên sẽ có mức lương khác nhau và không ai biết mức lương của ai cả. Bây giờ dù có đắt hay ế thì mình vẫn có mức lương ổn định còn trước đây không ký hợp đồng nên đắt thì thêm tiền mà ế thì bị bớt nên mình cũng buồn”.
Hai năm gần đây cô đào Nhã Vy được biết đến nhiều hơn. "Nếu ngày xưa có 300 người biết mình thì giờ có đến 10.000 người biết. Con số này mình tính từ số người tới xem và số người theo dõi trên Facebook cá nhân của mình. Bây giờ mình còn có nhiều người gửi tặng quà, tặng hoa chúc mừng nữa”, Vy tự hào kể.
Tết Nguyên Đán năm 2020, Nhã Vy vẫn tiếp tục nghiệp ca hát của mình, không về quê ăn tết bởi "đã là thành viên của đoàn, là người phục vụ khán giả thì phải phục vụ những lúc người ta cần mình nhất".
Đằng sau phấn son là tủi nhục
Có năng khiếu hát nên từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, môn Âm nhạc là môn Nhã Vy luôn đạt điểm số cao nhất. Năm lớp 9, Nhã Vy thích thú đi theo đoàn lô tô về hội chợ quê mình, từ đó làm quen được trưởng đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời. Sau một thời gian bán nước, bán vé phụ cho đoàn, vô tình hát vu vơ mà ông chủ thấy có tố chất nên Nhã Vy có cơ hội đi diễn để trau dồi thêm, tính đến nay đã được hơn 9 năm.
Kể về những ngày đầu đi hát, Nhã Vy bộc bạch: “Gia đình mình không ai theo nghề này, lúc đầu gia đình khuyên về nhà có gì ăn đó, nghề này cực lắm, trôi sông lạc chợ, gạo chợ nước sông, theo bê đê này kia... Nhưng đó là đam mê của mình, mình cũng nhiều lần bỏ về quê nhưng lại nhớ nghề rồi lại đi hát tiếp”.
|
|
“Ban ngày Nhã Vy vẫn là con trai bình thường, chỉ khi đi hát thì mới giả gái vì đó là cái nghề của mình mà. Tâm sinh lý của mình là thế giới thứ ba, mình yêu con trai và vẫn thuộc cộng đồng LGBT. Gia đình mình biết, dù buồn nhưng cũng đồng ý và không cấm cản”, Nhã Vy không giấu giếm.
Những ngày đầu của nghiệp ca hát, Nhã Vy từng mặc cảm vì người xem hay ghẹo mình đến tủi thân. “Mình nghĩ tại sao cha mẹ lại sinh mình ra như vậy? Sau này có một người chị bảo mình là người ta có ghẹo cũng đừng phản ứng lại vì đa số họ thích ghẹo bê đê để bê đê chửi lại. Khi họ không ghẹo nữa, họ quê, họ tự im lặng ngay”, Nhã Vy kể thêm.
Những ngày ly hương mưu sinh, Nhã Vy luôn cùng chị em trong đoàn lô tô quây quần bên nhau, đi chơi, ca hát, ăn uống với nhau… để cái tết tha hương không phải buồn bã.
Đã từ lâu, tất cả nghệ sĩ hát lô tô đều rất mong khán giả tôn trọng mình và được khán giả gọi mình là nghệ sĩ lô tô hay ca sĩ lô tô. Dù tương lai có thể có những khó khăn nhưng những nghệ sĩ như Nhã Vy vẫn còn bám trụ đất này.
Bình luận (0)