Dù chủ trương cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học 2 buổi/ngày đã có từ nhiều năm nay, và Bộ GD-ĐT cũng thay việc chấm điểm bằng nhận xét, đánh giá ở bậc học này nhưng trên thực tế, học sinh (HS) vẫn đi học thêm và giáo viên vẫn mở lớp.
Không học, sao “đu” nổi người ta ?
Trong vai một bà mẹ tìm chỗ học thêm cho con rồi miệt mài theo chân một số phụ huynh và lân la bắt chuyện ở các nhóm lớp học thêm tại nhà, tôi và con gái học lớp 2 rong ruổi vào “hành trình” học thêm buổi tối của HS tiểu học tại TP.HCM.
19 giờ, lớp học thêm tại nhà nằm trong con hẻm ở đường Cống Quỳnh (Q.1) khá sôi nổi. Trong căn phòng khoảng hơn 30 m2, HS chia theo nhóm. Nhóm bàn tròn là HS mầm non, chuẩn bị vào lớp 1, ngồi sát cửa ra vào. Phía bên trong là các dãy bàn với khoảng 10 HS có độ tuổi khác nhau. Trò chuyện với người giữ xe đối diện lớp học, được biết lớp do 2 cô giáo về hưu dạy nhiều năm nay. HS học theo ca, lần lượt kéo dài từ 17 - 19 giờ 30.
tin liên quan
TP.HCM: 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóaNgày 1.12, UBND TP.HCM thông tin tình hình hoạt động ngoài giờ học chính khóa của học sinh. Theo đó, có khoảng 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa...
Tôi gặp chị N., một phụ huynh đến đón con, hỏi kinh nghiệm thì được biết, ròng rã gần 4 năm, từ lớp lá đến nay, con trai của chị giờ là HS lớp 3 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) đều học 3 buổi/tuần tại đây. Chị N. kể: “Cứ sau giờ học ở trường, về nhà tắm rửa, ăn đại miếng gì đó rồi tôi dẫn bé qua đây học. Chuẩn bị thi học kỳ nên 2 tuần trước ngày thi, ngày nào cũng đến học để các cô ôn bài cho”. Nghĩ đến cảnh cả ngày học ở trường rồi kéo dài đến tối ở lớp học thêm, tôi bèn quay sang giả bộ hỏi con gái mình: “Con có học nổi không?”, và thăm dò con của chị N: “Học cả ngày có mệt lắm không con?”. Cậu bé trả lời: “Con mệt lắm, học thêm không nổi đâu”. Chị N. vội nói thay: “Mệt gì mà mệt”. Khi tôi hỏi: “Tiểu học cấm học thêm mà sao chị cho bé đi học nhiều thế?”, chị N. trả lời: “Không học sao “đu” nổi theo con người ta”.
Cũng tại lớp này, tôi gặp bé trai học lớp 2 Trường tiểu học Kết Đoàn (Q.1) đang đứng chờ người nhà đến đón. Với ánh mắt lộ rõ vẻ mệt mỏi, bé cho biết đã chờ hơn 15 phút. Một lúc sau, ba cậu bé chạy xe máy đến thấy con ngồi với cô giáo chờ ngay cửa liền phân trần: “Em đang dở việc nên làm cho xong mới đến đón con”. Còn cậu bé thì mừng rỡ, nhảy tót lên xe, ôm chặt lấy ba.
tin liên quan
Dạy thêm học thêm tại TP.HCM: Cấm rồi lại cho!?Vì sao một chủ trương nhận được sự ủng hộ của xã hội nhưng về sau lại bị phản ứng, dẫn đến việc Thành ủy TP.HCM vừa ra kết luận quay về như cũ?
Một phụ huynh HS lớp 4 Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3) đang cho con học thêm tại lớp học trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) nói về lý do cho con đi học thêm: “Chồng tôi lái xe, đi đến tối, còn tôi phải lo buôn bán, không cho đi học để cô giáo dạy thì vợ chồng tôi cũng chịu không biết dạy cho cháu như thế nào. Thôi thì, có mệt cũng phải cố gắng chứ gặp bài khó, không làm được thì điểm kém hoài sao?”.
Một phụ huynh ở Q.4 có con vừa kết thúc năm lớp 1 đã lo lắng dò hỏi tìm giáo viên về nhà kèm thêm cho con 3 buổi/tuần. Có phụ huynh cho con đang học lớp 2 đi học thêm vì muốn con viết chữ đẹp hơn.
tin liên quan
Ai gây áp lực học hành?'Nếu có 3 điều ước bạn sẽ ước gì? Tui chỉ cần ước một điều thôi. Ước gì chết để khỏi phải học...', đó là mẩu hội thoại mà chị Ng.Ng.N (phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Q.1, TP.HCM) nghe con mình nói với bạn.
Học cho cha mẹ
Phụ huynh đưa ra nhiều lý do để buộc HS tiểu học đi học thêm như không đủ kiến thức, điều kiện để giảng bài cho con, không thể sắp xếp thời gian làm việc phù hợp với giờ con tan học... Để giải quyết việc phụ huynh đưa đón con thuận lợi, nhiều trường tổ chức các lớp học kỹ năng sau giờ học nhưng… phụ huynh lại không mặn mà gửi con ở những lớp này mà cứ phải cho con học thêm văn hóa mới… an tâm!
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1 cho hay để hỗ trợ phụ huynh không sắp xếp được thời gian đón con lúc 16 giờ 30, trường tổ chức các câu lạc bộ ngoại khóa như: MC nhí, đàn tranh, guitar, bóng rổ, làm bánh... Vậy nhưng số lượng phụ huynh đăng ký các câu lạc bộ này chưa được 1/3.
tin liên quan
Chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là bài học kinh nghiệm cho TP.HCMĐó là trao đổi với Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan với báo chí trong buổi họp báo diễn ra trưa 29.9.
“Khá nhiều phụ huynh khi gặp tôi đề nghị sao trường không mở lớp nào liên quan đến kiến thức, chẳng hạn lớp 1, 2 thì rèn chữ...”, hiệu trưởng này cho biết. Còn một cô giáo lớp 2 thì kể: “Ngay khi biết nhà trường mở các câu lạc bộ ngoại khóa chủ yếu về kỹ năng, thể dục thể thao... hàng chục phụ huynh đến đặt vấn đề tìm địa điểm gần trường để dạy hoặc mời tôi về nhà kèm cặp thêm. Trong khi những HS này học lực đều khá, tiếp thu nhanh, vậy mà phụ huynh vẫn lo lắng”.
Quá tải do... phụ huynh
Trần Thu Hà, tác giả cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết, chia sẻ những kinh nghiệm có được từ trải nghiệm của bản thân: “Chúng ta kêu ca nhiều nhất về việc quá tải. Nào là chương trình quá tải, nào là giáo viên giao bài tập quá nhiều. Tôi nghĩ quá tải một phần rất lớn do chính phụ huynh ủng hộ nó. Nếu cô giao 3 bài, bé làm đủ 3 bài thì hôm sau cô sẽ giao 4 bài. Bé lại thức tới 11 giờ đêm để hoàn thành đủ 4 bài, theo luật cung cầu và luật vừa sức, giáo viên sẽ giao lên 5 bài tập về nhà. Còn nếu cô giao 3 bài, mà sức bé không làm được, một lần, hai lần, nhiều HS cùng như thế, thì dần dần, cô sẽ phải giao ít bài lại”.
Theo tác giả này, các đề thi, đề bài tập, bao giờ cũng có những bài khó tới mức chỉ khoảng 5% HS giỏi cá biệt làm được. Ba mẹ nào cũng phấn đấu chen chúc trong cái 5% thông minh cá biệt đó, nên mới quá tải!
Vì vậy, hãy để con học đúng với thực lực của mình. Con không làm hết bài tập thì con lên lớp trình bày với cô là con không làm hết được. Con làm sai thì để cô sửa. Kiểm tra cuối kỳ, kiểm tra cuối năm cũng không được học thêm giờ.
|
Bỏ chấm điểm, vẫn học thêm
Ngày 23.11, trong văn bản báo cáo về tình hình quản lý hoạt động dạy thêm học thêm, UBND TP.HCM nhìn nhận thực trạng này một phần xuất phát từ nhu cầu không thể phủ nhận của phụ huynh và HS. UBND cũng đưa ra thống kê sơ bộ tình hình hoạt động ngoài giờ học chính khóa của HS hiện nay, trong đó ở bậc tiểu học có khoảng 20% HS học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa.
Trước đó, Báo Thanh Niên tổ chức khảo sát về thực hiện Thông tư 30 chuyển đánh giá HS tiểu học bằng điểm số sang nhận xét, từ ngày 20.4 - 5.5.2015 tại 165 trường tiểu học của 10 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ. Với câu hỏi: “Đánh giá bằng nhận xét như hiện nay, ông/bà có cho con học thêm không?”, kết quả số liệu của 1.191 phiếu thu vào cho thấy TP.HCM có 46% phụ huynh cho con đi học thêm, Hà Nội là 43%. Một số địa phương phụ huynh cho con đi học thêm nhiều là Đồng Nai 76%, Huế 75%...
|
tin liên quan
Không có sinh viên, trường vẫn 'nhận' gần 2 tỉ đồng tiền kinh phí đào tạoNgày 7.12, Thanh tra tỉnh Nghệ An cho biết đơn vị này vừa phát hiện Trường ĐH Kinh tế Nghệ An sai phạm trong việc kê khai số lượng sinh viên để quyết toán kinh phí ngân sách cấp.
Bình luận (0)