Còn nhìn thấy nhau giữa đám đông

01/01/2025 08:06 GMT+7

Làm giám khảo cho cuộc thi Sống đẹp của Báo Thanh Niên quả thực khó, không phải về kỹ thuật, mà về chủ đề. Sống đẹp, sống tử tế và san sẻ yêu thương vốn dĩ là mục tiêu của cả đời người, không phải cho một năm, một dịp hay một cuộc thi nào…

Ngay chính bản thân mình còn khó nhận định khi nhìn lại quãng đời đã qua, huống chi nhận định về người khác trong một câu chuyện ngắn hay vài hình ảnh. Ta vẫn cố gắng tự hỏi, mình đã tử tế với người chưa, người có tử tế với người chăng. Có khi mình tự thấy đang làm một việc vị tha, trong khi người khác không thấy như vậy mà còn bị tổn thương thì sao? Hoàng tử bé nói rồi: "Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim. Con mắt thường mù lòa trước điều cốt tử". Ai dám chắc mình luôn thấu suốt?

Còn nhìn thấy nhau giữa đám đông- Ảnh 1.

Nhà văn Đông Vy

ẢNH: ĐỘC LẬP

Có nhiều người làm việc bác ái giữa ngày thường, dù bất chợt hay cả đời bền bỉ, nhưng chẳng kể gì về chuyện đó. Như anh Mai Lê Duy Quang sau khi cứu người đã đắp tạm cái lá bên đường vào vết thương rồi đến công trường làm việc tiếp mà "không nghĩ suy gì". Mấy lão nông chung tay xây nhà tình thương "kiểu nào cũng được, miễn giúp đỡ được bà con là tốt".

Thậm chí trong truyện ngắn, các nhân vật đôi khi cũng khó nói rõ cảm nhận của mình. Một nhân vật được nhắc đến theo kiểu: "Bún Riêu gọi là "một người rất vui" nhưng sau này hiểu nhiều hơn về cô Nhàn, tôi lại thấy đó là một người rất lạ". Người chồng trong Ngồi đợi trăng lên nói anh quyết cưới cho được người vợ thiếu nhan sắc của mình: "Không phải (vì) kiếp trước mà là kiếp này", nhưng bảo anh gọi tên nguyên do chưa chắc anh nói rõ ra được.

Việc nhân vật không được tả kỹ hóa ra lại phản ảnh một khía cạnh của hiện thực ở chủ đề này. Lòng tốt là thứ có thể tỏa hào quang dịu dàng quanh một người. Chúng ta có thể cảm nhận, nhưng nhiều khi rất khó mô tả.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều vấn đề khác được mở ra. Ví dụ các lão nông luôn từ chối quyên góp tiền vì: "Mình toàn đàn ông, với lại nông dân nữa, các chú ngại giữ tiền bạc, có chi sơ suất lại mang tiếng. Thôi, mình cứ ra công, làm bằng cái tâm". Ví dụ chị Quỳnh Nga ở Hợp tác xã Trái tim hồng nói rằng "mỗi người có khiếm khuyết khác nhau và phù hợp với mỗi công việc cụ thể, điều cốt yếu là tìm được công việc phù hợp với họ".

Những suy nghĩ đó vượt ra khỏi phạm vi một hành động cụ thể xuất phát từ thiện tâm, mở ra những cánh cửa suy tư. Rằng con người không chỉ có cơ thể và sinh mệnh là đáng trân trọng, mà còn có phẩm giá và bình an tâm hồn.

Có một bài dự thi đã cho tôi lời chỉ dẫn: "lấy lòng đo lòng". Nhưng lấy lòng đo lòng lại khó định lượng, không thể tránh khỏi cảm nhận chủ quan. Tôi đã nghĩ, có lẽ mình không thể là một giám khảo công tâm như ý muốn trong cuộc thi này.

Mỗi khi gặp chuyện khó trong đời, tôi thường tự hỏi ông bà mình xưa nay làm thế nào. Họ tính điểm kiểu gì cho những việc bác ái mình làm? Hình như ông bà không tính điểm theo giá trị tiền bạc, công xá, số lượng hay quy mô mình làm chuyện tốt cho bao nhiêu người, mà bằng lòng thành trong từng việc một.

Mặt khác, tôi ước chúng ta luôn có thể gặp những người tử tế trong cảnh huống bình thường, hơn là trong nguy cấp, thiên tai hay tai nạn, không ai phải trải qua giây phút hiểm nguy đe dọa mạng sống hay mất mát đau thương, rồi chúng ta mới nhận ra họ là người tử tế đến mức nào, để vinh danh và tưởng thưởng.

Với tôi cuộc thi này không phải đấu trường của danh hiệu Sống đẹp hay Sự tử tế, mà là cuộc diễu hành nho nhỏ của Hy vọng và Yêu thương. Trong đó có những nhân vật đã làm nảy nở trong tôi - và có thể trong quý độc giả - những hạt mầm hy vọng và yêu mến.

Những người tử tế vẫn còn nhìn thấy nhau giữa đám đông, là đáng để mừng vui rồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.