Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan hiện giảm 15 USD so với đầu tuần, còn lần lượt là 628 USD/tấn và 618 USD/tấn; gạo Pakistan giảm 5 USD còn 608 USD/tấn.
Các loại gạo 25% tấm từ các nguồn cung này cũng giảm từ 5 - 15 USD/tấn; cụ thể gạo Việt Nam là 613 USD/tấn, Thái Lan 563 USD/tấn và Pakistan 538 USD/tấn.
Tại thị trường nội địa, giá lúa gạo vẫn ổn định ở mức cao. Cụ thể, tại một số địa phương như: An Giang, giống lúa OM 5451 có mức giá 7.800 - 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 (ĐT8) ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg…
Theo một số doanh nghiệp, đầu tuần này giá gạo tăng vì cuối tháng trước Ấn Độ đưa ra hàng loạt chính sách siết chặt nguồn cung gạo và có thông tin Myanmar tạm dừng xuất khẩu gạo. Những thông tin này khiến thị trường gạo thế giới càng nóng hơn, giá tăng nhưng giao dịch chậm lại.
Một trong những nguyên nhân giao dịch chậm là do chính sáp áp giá trần lên mặt hàng gạo của chính phủ Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn trên thị trường thế giới và Việt Nam. Điều này khiến nhiều nhà nhập khẩu gạo Philippines e ngại ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận nên thương lượng trì hoãn hợp đồng. Bên cạnh đó, thị trường cũng xem xét diễn biến từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43. Một trong những chủ đề được thảo luận ở các cuộc gặp song phương và đa phương liên quan tới an ninh lương thực và đặc biệt là nguồn cung gạo.
Về mặt thị trường, nhiều nhà nhập khẩu muốn tiếp tục trì hoãn hợp đồng vì mùa vụ sản xuất chính ở các nguồn cung như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là vào vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, về cơ bản trong dài hạn trên phạm vi toàn cầu nguồn cung vẫn thấp hơn so với nhu cầu. Bên cạnh đó, một trong những nhà nhập khẩu lớn là Trung Quốc vẫn chưa có động thái tăng nhập khẩu gạo.
Bình luận (0)