Theo Jing Daily, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại UCCA ở Bắc Kinh sắp tổ chức triển lãm đầu tiên cho nghệ thuật mã hóa (crypto art) dưới dạng NFT, do công ty Bitmain và Kusama Network tài trợ. Triển lãm có tên "Bạn đã bao giờ nhìn thấy meme trong gương?" sẽ diễn ra trong quãng thời gian từ ngày 26.3 - 4.4, trình bày tác phẩm số hóa của 60 nghệ sĩ như Beeple, Robert Alice, DJ deadmau5, Mario Klingemann...
Là một trong những người đứng sau triển lãm lần này, Sun Bohan - CEO của BlockCreateArt (BCA) cho biết nghệ thuật mã hóa là xu hướng mới nổi được hình thành từ sự "kết nối giữa nghệ thuật và các nền tảng dựa trên blockchain, giữa văn hóa và công nghệ".
Đón đầu làn sóng NFT, thương hiệu thời trang RTFKT đã trình làng mẫu giày thể thao NFT lấy cảm hứng từ văn hóa đại lục vào dịp Tết Nguyên đán, được đấu giá trên khu chợ số Treasureland của Trung Quốc. Đôi giày được bán với giá 28.000 USD - mức giá không tồi nhưng chưa thể đạt tới kỷ lục 3 triệu USD cho mẫu giày hợp tác với nghệ sĩ Fewocious trước đó. Thương hiệu này tự xưng là "Supreme cho giới công nghệ".
Đây là một phần trong kế hoạch của RTFKT nhằm hướng đến thị trường đông dân nhất thế giới. Trả lời phỏng vấn với Jing Daily, nhà sáng lập Benoît Pagotto cho rằng thị trường nghệ thuật mã hóa ở Trung Quốc đang nhận được nhiều sự quan tâm, còn người dân vốn đã quen với loại hình giao dịch kỹ thuật số nên dễ dàng hiểu giá trị và cách chúng được mua đi bán lại như một loại tài sản.
Yin Cao - giám đốc điều hành Digital Renaissance Foundation đưa ra nhận định trái ngược: "Còn quá sớm để mang nghệ thuật NFT đến Trung Quốc. Có hai lý do: Đầu tiên thị trường nghệ thuật ở đây chưa có kiến thức về nghệ thuật mã hóa. Thứ hai, các nghệ sĩ NFT Trung Quốc có nhiều điều phải làm hơn là các nghệ sĩ phương Tây".
Đó cũng là lý do tại sao phần lớn triển lãm của UCCA chỉ trưng bày tác phẩm NFT quốc tế, thiếu vắng các tác phẩm bản địa. Dẫu vậy, Ting Song - một trong những nghệ sĩ NFT hoạt động tích cực ở Trung Quốc vẫn lạc quan. Cô cho rằng lợi thế của những nghệ sĩ trong nước nằm ở việc họ đến từ nhiều lĩnh vực đa dạng, như ngành khoa học nhận thức, mật mã học hay nghệ thuật cổ truyền, do đó họ rất khác với các đồng nghiệp phương Tây.
Không đợi đến bây giờ, NFT đã âm thầm len lỏi giữa các tín đồ blockchain Trung Quốc từ lâu. Năm ngoái, Decrypt đưa tin về địa danh Dragon City được xây dựng trên Decentraland - một nền tảng thực tế ảo chạy trên mạng Ethereum, cho phép người chơi mua đất, tạo những địa danh ảo như khu vui chơi, sòng bạc để kiếm tiền thật. Dragon City do một người tên là Roy Zou tạo ra dựa trên cảm hứng thần thoại Trung Quốc, với mong muốn "tiếp thị Dragon City đến với người Trung Quốc với tư cách thành phố mang màu sắc Trung Hoa đầu tiên trên blockchain".
|
Vincent Niu - người sáng lập DappReview nói với Decrypt rằng “để NFT phổ biến ở Trung Quốc, sản phẩm phải liên kết với một thương hiệu được nhiều người quan tâm". Ví dụ trang NBA Top Shot chuyên bán NFT là những trích đoạn bóng rổ đáng chú ý, kinh doanh bằng cách tận dụng sự nổi tiếng và lượng người hâm mộ khổng lồ của các cầu thủ NBA ngoài đời thực. Ở Trung Quốc, văn hóa thần tượng phát triển rất mạnh mẽ nên phương pháp tận dụng danh tiếng có thể sẽ đạt hiệu quả cao nếu áp dụng vào trường hợp NFT.
Mặt khác, triển lãm của UCCA cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ từ cộng đồng tiền điện tử Trung Quốc. Mặc dù các tác phẩm NFT chủ yếu được tạo ra trên mạng Ethereum, Kusama Network - cộng đồng ủng hộ mạng Polkadot lại có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt triển lãm. Bên cạnh đó, đại diện phía cộng đồng Bitcoin có Ge Yuesheng - cánh tay phải đắc lực của CEO Bitmain Jihan Wu cũng góp mặt vào sự kiện này.
Decrypt nhận định, trong bối cảnh cộng đồng tiền điện tử ngày càng phân cực, nghệ thuật đã làm được điều tưởng chừng như không thể, đó là thống nhất nhiều tiếng nói khác nhau để phục vụ một mục đích chung.
Bình luận (0)