Những câu hỏi tiếp theo đã cho ra kết quả bằng những con số khiến nhiều mẹ phải giật mình: có đến 59% mẹ lo lắng về chuyện an toàn, 47% lo lắng về sức khỏe của con trẻ khi cho chúng chơi đùa và có đến 29% các mẹ thường xuyên lo con trẻ bị vấy bẩn.
Mẹ muốn con an toàn trước “nguy cơ” từ trò chơi, có gì sai?
Câu chuyện một người mẹ cho con ngụp lội trên dòng bùn đất để trải nghiệm việc mò cua, bắt ốc của người nông dân đã trở thành đề tài được nhiều mẹ chú ý trong những ngày sắp sửa bước vào hè. Trước những hình ảnh chia sẻ này, nhiều mẹ không tiếc lời bảo vệ quan điểm của mình và nói “không” với bùn đất hay các trò chơi có thể làm con bẩn… ngoài lãnh thổ ngôi nhà. Lí do các mẹ đưa ra chủ yếu là chơi ngoài ngõ thì sợ xe cộ qua lại, bụi bặm, chơi ở công viên thì sợ con ham chơi đi lạc, trầy chân tay, vấp ngã vì quá đông người. Bên cạnh đó, các mẹ quá bận rộn nên không có nhiều thời gian quan tâm đến việc chơi đùa của con trẻ, khiến mẹ luôn lo lắng đến sự an toàn của con khi chơi.
Nhiều mẹ có cùng quan điểm với nickname kemyeu2011: “Không muốn thấy con lấm lem bùn đất nên chỉ cho con chơi ở các khu vui chơi trong nhà có máy lạnh là chủ yếu”. Tuy vậy, theo Giáo sư Peter Gray, Trường Đại học Boston (Mỹ) thì việc quản lý quá chặt môi trường chơi đùa của con cái là điều “lợi bất cập hại”. “Một trong những nguyên nhân làm cho tỉ lệ trẻ em bị dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất an ngày càng tăng nhanh từ thập niên 50 đến nay là do trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và bị hạn chế vui chơi ngoài trời cùng bạn bè”, giáo sư chia sẻ.
Mẹ cho con chơi thoải mái để phát triển toàn diện, liệu có đúng?
Dường như các mẹ không đồng tình với việc cho con chơi thoải mái, không ngại lấm bẩn đang đánh đồng việc phát triển của con mình với những đứa trẻ khác nên vô hình chung tạo một bức tường vô hình ngăn cản sự tự do nô đùa của con trẻ. Để con được phát triển toàn diện cả về mặt tâm lý lẫn thể chất, các mẹ cần cho con rèn luyện, học ngay trong các trò chơi của con trẻ. Mẹ huynhdoanthuc chia sẻ quan điểm của mình: “Chẳng cần mò cua bắt ốc đâu, chỉ cần trẻ thích chơi gì, mình cho chơi nấy thôi ạ. Chơi vẽ tượng, chơi nặn tượng đất sét màu Nhật Bản, trồng cây hay ngay cả nấu ăn trong bếp, mấy trò ấy đều giúp con vui, có khi còn vui ơi là vui ấy chứ, rồi con học được nhiều thứ nữa. Cái chính là hoàn thiện nhân cách của con trẻ nhà mình thôi. Các mẹ hình như cứ nghĩ đến lấm bẩn là phải nhảy xuống ruộng, mò cái này cái kia. Theo em, lấm bẩn thì tô tượng thôi cũng lấm bẩn rồi, mà trò ấy thì con tha hồ phát huy trí tưởng tượng, không lẽ mình cũng cấm con vẽ ra trí tưởng tượng của mình hay sao? Các mẹ chớ cực đoan nha”.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, bác sỹ chuyên khoa Tâm thần và tâm lý trị liệu, trưởng Chi hội Tâm lý – Giáo dục Trăng Non, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP. Hồ Chí Minh: “Các mẹ nên cho con cái không gian riêng để phát triển và không gian ấy bao gồm cả việc con cái được chơi đùa thoải mái”. Các mẹ không nên giới hạn việc chơi đùa con trẻ bằng các lí do: sợ con không an toàn với vết bẩn, sợ con ngã, sợ con bị vi khuẩn tấn công, sợ phải giặt áo quần lấm bẩn của con… Bác sĩ Tiến cho biết thêm: “Các mẹ có thể cho con chơi thỏa thích những trò chơi của tuổi thơ nhưng nếu con còn nhỏ tuổi, các mẹ nên để chúng trong tầm mắt của mình”. Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần chơi cùng trẻ để xây dựng tình thương yêu khắng khít và với việc chơi cùng con, mẹ sẽ dạy chúng nhiều điều bổ ích”.
Cuộc tranh luận càng “nóng” và chưa có hồi kết
Cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện vui chơi của con cái hẳn còn tiếp diễn nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều đồng ý để con trẻ phát triển tốt nhất, tuổi thơ phải luôn gắn liền với những trò chơi giúp trẻ phát triển toàn diện. Nghiên cứu của các bác sĩ từ Đại học Y Albert Einstein cho thấy trẻ em vui chơi thoải mái ít nhất 5 tiếng mỗi ngày, không bị ngăn cản ngay cả khi bị lấm lem bùn đất - sẽ có những biểu hiện tâm lý, hành vi tốt hơn trẻ ít ra ngoài hơn. Sau thời gian vui chơi, những đứa trẻ này có thêm năng lượng và hứng khởi để quay lại việc học. Ngoài ra, việc khuyến khích con vui chơi, chạy nhảy có thể làm tăng khả năng hoạt động thể chất cũng như rèn luyện các kĩ năng cơ bản để trẻ sớm nhận thức thế giới xung quanh. Tuy vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng trẻ nên được phát triển trong môi trường sạch sẽ. Quan điểm này không hẳn là không có lý bởi điều này xuất phát từ tâm lí lo lắng chung của các mẹ có con nhỏ, ngại cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cho con chơi như thế nào mới tốt? Câu hỏi này của các mẹ chưa đến hồi kết thúc và vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Còn bạn, bạn sẽ nghiêng về phe nào?
Minh Sơn
Ảnh: Shutterstock
>> Ngày hội "Omo tương lai 10/10
>> 180.000 chiếc áo trắng cho chương trình "OMO - Áo trắng ngời sáng tương lai
>> Chương trình OMO - Áo trắng ngời sáng tương lai 2005
Bình luận (0)