Con trâu, cầu khỉ vào trường học

21/03/2014 03:15 GMT+7

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã xây dựng mô hình “vườn trường” nhằm giúp học sinh mở rộng hiểu biết và phục vụ cho công tác dạy - học.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã xây dựng mô hình “vườn trường” nhằm giúp học sinh mở rộng hiểu biết và phục vụ cho công tác dạy - học.

 Học sinh Trường tiểu học Nhật Tân, Q.Gò Vấp, TP.HCM “nhóm chợ” trong giờ ra chơi - Ảnh: Minh Luân
Học sinh Trường tiểu học Nhật Tân, Q.Gò Vấp, TP.HCM “nhóm chợ” trong giờ ra chơi
- Ảnh: Minh Luân

Trường em có chiếc cầu khỉ

Ban đầu, “vườn trường” chỉ có các loại rau củ quả như bầu, bí… do học sinh tự đào đất, trồng cấy (thông qua hướng dẫn của giáo viên). Về sau, một số trường tạo ý tưởng mới là xây dựng các khu vườn mang đậm dáng vóc làng quê sông nước ngay tại khuôn viên trường. Điển hình như Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11. Trường này xây dựng khu vườn mang tên Góc Nam bộ với đầy đủ cầu khỉ, xuồng ba lá, chòi lá… Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.11 (trước đây là Hiệu trưởng Trường Lê Đình Chinh), cho biết: “Khi còn ở Trường Lê Đình Chinh, chúng tôi làm Góc Nam bộ nhằm giới thiệu cho học sinh biết những hình ảnh thân thương của vùng sông nước Nam bộ. Vì thực chất, rất ít học sinh của trường có điều kiện về quê mà thấy được những hình ảnh đó”.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau mô hình của Trường tiểu học Lê Đình Chinh, nhiều trường tiểu học khác tại Q.11 như Hưng Việt, Trưng Trắc… cũng tiếp nối xây dựng mô hình này.

Lãnh đạo các trường tiểu học có điều kiện xây dựng “vườn trường” cho rằng mô hình này giúp ích rất nhiều cho học sinh trong quá trình học tập. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 nói: “Học sinh lớp 4, lớp 5 thường phải làm các bài tập làm văn với yêu cầu tả cảnh, tả người, nên cô giáo sẽ cho học sinh tham quan khu vườn, để các em tìm hiểu, quan sát và đưa tư liệu có được vào bài văn. Nhờ vậy, bài văn của học sinh sẽ sinh động, mang tính thực tế nhiều hơn”.

Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thực hiện mô hình này cách đây 3 năm (mô hình có chòi lá, cầu khỉ, ao cá, con trâu…). Ban đầu trường đầu tư 4 triệu đồng để mua con trâu, sau tích góp và tự tìm lá, rơm, cây cối để xây dựng thêm nhà tranh, cầu khỉ, ao hồ. “Học sinh rất thích mô hình này, các em leo cầu khỉ đến mức gãy hết 2 cây cầu. Trường đã phải thay cây thứ 3 rồi”, bà Hà nói thêm.

“Nhóm chợ” ngay trong trường

Trao đổi với phóng viên, học sinh phần đông rất thích các mô hình “vườn trường” với nhiều lý do. Thúy An, học sinh lớp 2/2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Em không có bà con ở quê nên không bao giờ được về quê hết. Em chưa từng thấy cái nhà tranh, nhà lá hay con trâu ra sao cả. Khi đi học, em mới thấy được trâu, cầu khỉ… ở trường của mình”. Trần Công Duy Nam, học sinh lớp 2/2 trường này, tâm sự: “Mỗi giờ ra chơi em thường chạy ra khu vườn này để coi. Em thích nhất là con trâu với cái nhà (chòi lá) vì có thể chạy vào đó chơi, cưỡi trâu được”.

Hiện nay, rất nhiều trường tiểu học tại TP.HCM thực hiện mô hình này, với nhiều phương thức và ý tưởng riêng. Trường tiểu học Nhật Tân, Q.Gò Vấp được thành lập cách đây 1 năm, nhưng đã xây dựng mô hình “chợ quê” cho học sinh. “Chợ quê” gồm những túp lều tranh, trang hoàng bằng lá cọ (giáo viên của trường phải đi tận Bình Dương mua về), bày bán chuối, mãng cầu, bánh chưng, nón lá… Theo bà Phạm Thị Minh Hạnh, Hiệu trưởng trường này thì khu “chợ quê” được hình thành cách đây khoảng 3 tháng. Ban đầu thầy cô của trường đi khắp nơi tìm vật dụng xây chòi. “Tất cả “khu chợ” là do học sinh và thầy cô giáo tự làm. Trong quá trình làm, chúng tôi giải thích cho các em học sinh biết về thời gian nhóm chợ ở quê, vật dụng thường có ở chợ quê như thế nào…”, bà Hạnh nói thêm.

Minh Luân

>> Ứng dụng công nghệ trong dạy học: Không phải là cây đũa thần...
>> Dạy học tự chọn sẽ thay thế phân ban
>> Dạy học sinh phòng chống tham nhũng
>> Nơi dạy học trò cách ứng xử
>> Lúng túng khi dạy học kiểu tích hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.