Còn trong cây lá bốn mùa - Truyện ngắn của Mai Nguyên (TP.HCM)

30/10/2022 07:30 GMT+7

Ngôi làng ấy nằm dưới chân đồi, nhà cửa vườn tược cụm vào nhau, cánh đồng ôm lấy nhà cửa, dòng sông lại ôm lấy cánh đồng.

Qua một chuyến đò sang bên kia sông là thị trấn X mỗi ngày một thay da đổi thịt, khói bụi cơ giới và xây dựng phết lên cây lá bàng bạc ven đường.

Nguyên nhận quyết định làm kỹ sư giám sát cho một công trình lớn ở thị trấn X - nơi cách quê anh hơn một nghìn cây số. Công trình đã thi công xong phần móng bắt đầu giai đoạn lắp dựng thép cột vách bê tông. Nguyên gặp chỉ huy trưởng và các anh em khác ở nhà container rồi được Phú chở về nhà trọ. Phú để chiếc vali lên bụng xe, vừa chở bạn vừa làm “hướng dẫn viên du lịch”. Họ qua đò vào làng, đường bê tông nhỏ và sạch, nhà nào cũng xây tường bao bằng gạch chỉ, bạt ngàn nhãn đang mùa chín rộ. Khung cảnh làng quê yên tĩnh đến mức Nguyên có cảm giác mình vừa hẫng chân vào một ốc đảo xa xôi…

Nhà trọ sân gạch đầy rêu, nệm mỏng, gian bếp lủng củng xoong nồi tạm bợ. Nguyên mở cửa sổ bắt gặp mảnh vườn xanh ngắt trồng nhãn, ổi, mít, bưởi, na… Anh chợt nhớ nhà, nhớ mùa cà phê nở rộ và những cầu ong cha anh đặt trong vườn. Anh sắp xếp đồ đạc, ăn tối, ngủ một giấc lấy sức sau chuyến xe đường dài.

Minh họa: Tuấn Anh

Hôm sau trời nắng đẹp, công việc thuận lợi, buổi chiều vừa về đến nhà thì Phú rủ đi bẻ nhãn. Nhãn lồng, cùi dày như cùi dừa, thơm thanh nhẹ, Phú quảng cáo y hệt những tay lái buôn. Nguyên hỏi:

- Nhãn ở đâu mà bẻ?

- Nhà bà cụ bên kia, lãnh đạo đặt mua cả cây ăn dần.

Phú vừa nói vừa nháy mắt với mấy anh em khác. Nguyên cầm cái rổ ra bẻ nhãn, cành nhãn la đà vừa bẻ vừa nếm thử. Đang bẻ nhãn thì Toàn - chỉ huy trưởng về, anh tái mặt hỏi sao Nguyên lại bẻ nhãn của người ta. Phú và những anh em khác cười phá lên - rõ là một trò đùa tai hại. Tối hôm ấy Toàn dẫn theo Nguyên tay ôm rổ nhãn sang nhà hàng xóm. Bà cụ Hân ra đón khách, nhìn thấy rổ nhãn trên tay Nguyên, bà mời hai anh em vào nhà xơi nước. Anh Toàn mở lời thưa chuyện, giới thiệu nhân viên mới của công trình, bị anh em đùa dại nên trót bẻ vài chùm nhãn, xin được gửi bà cụ chút tiền. Trong buồng có tiếng con gái bật cười khúc khích. Nguyên đưa mắt ngắm ngôi nhà ngói ba gian. Góc nhà chất đầy cói và những chiếc làn đan dở. Gạch hoa mát lạnh, mọi vật trong nhà giản dị và tĩnh lặng. Bà cụ từ chối món tiền, lúc tiễn hai anh em ra cổng còn dặn với theo “trăng quầng đấy, mai cứ yên tâm mà đổ bê tông”. Nguyên ngước lên thấy một vầng trăng vòi vọi làm chủ không gian rộng rãi. Sương bắt đầu rơi ướt đẫm trên mấy vạt cây xấu hổ ven đường. Hương hoa nhài thoang thoảng trong gió đêm mát rượi.

Mỗi sáng trong khi kỹ sư an toàn kiểm tra lỗ mở, hệ thống bao che, thang bộ và các công tác triển khai thi công trên cao thì Nguyên kiểm tra bản vẽ kỹ thuật, làm việc với đơn vị triển khai, đôn đốc nhà thầu phụ rồi làm hồ sơ thanh toán… Tiếng máy trộn bê tông, máy khoan, tiếng động cơ gầm gừ suốt đêm ngày đinh tai nhức óc, thành ra mỗi chiều đi đò qua sông về nhà trọ trong làng là khoảng thời gian ngắn ngủi hiếm hoi khiến anh dễ chịu. Sông lộng gió, con đò rẽ làn nước xanh biếc, người đi đò cười nói lao xao.

Bấy giờ mới khoảng giữa tháng bảy, nắng như thiêu, công trình vượt tiến độ dự kiến sẽ bàn giao trước tết nhưng dịch Covid-19 bùng phát, lác đác công nhân nhiễm bệnh khiến công trình buộc phải dừng thi công. Anh em trong ban điều hành chuyển toàn bộ hồ sơ công trình về nhà trọ. Nguyên trở thành một anh trai làng bất đắc dĩ. Anh được nghe tiếng gà gáy sang canh, thấy bà cụ Hân kéo vòi nước tưới cây, nhổ cỏ trong đám rau cải, rau tần ô trong vườn, rang cám cất tép dưới ao mỗi sáng. Nhờ khu vườn của bà mà mấy anh em không thiếu thốn những ngày chống dịch. Đôi khi anh thấy bà vừa cắt tỉa cành nhánh cây vừa lẩm bẩm nói những điều gì không rõ. Đúng vào dịp Tết Trung thu, buổi sáng thức dậy Nguyên thấy mấy trái bưởi được đặt trên bức tường gạch. Bà Hân nói:

- Bưởi mới cắt, các cháu ăn lấy thảo, ăn xong cho bà xin lại vỏ bưởi nấu nước để em Hạnh gội đầu nhé!

Hạnh là cô bé thi thoảng đến thăm bà, có lẽ giọng cười khúc khích buổi tối hôm nào Nguyên bưng rổ nhãn sang xin lỗi bà là của Hạnh. Công việc ở công trình đi sớm về muộn thành ra anh chưa gặp Hạnh bao giờ. Anh gọt bưởi theo đường xoáy trôn ốc thật nắn nót và mỉm cười vì gần ba mươi tuổi đầu vẫn được một cụ bà tặng quà tết thiếu nhi. Phải rồi, khi người ta tám mươi tuổi người ta vẫn thấy mình lúc bảy mươi thật trẻ, thật dại dột, cần phải thay đổi việc này lời kia cơ mà. Vả lại mỗi lần bà nhờ anh hái mít hay đu đủ, bao giờ bà cũng cho anh vài trái về ăn. Mấy cái dây vỏ bưởi được gọt thật khéo Nguyên vắt lên tường. Buổi chiều, lúc Nguyên và Phú đang nhảy dây, chống đẩy trong sân thì thoáng thấy bóng Hạnh. Cô nói “em xin vỏ bưởi” rồi chạy biến. Phú nhón chân nhìn qua tường gạch tả lại cô bé có mái tóc dài đen nhánh, đôi mắt to tròn. Lúc ấy Phú và Nguyên mặc độc chiếc quần đùi, mồ hôi nhễ nhại. Câu chuyện về Hạnh xôn xao suốt cả buổi tối hôm ấy.

Mấy hôm sau, một nhân viên bảo vệ ở công trình nhiễm Covid, Nguyên ra công trình sắp xếp người thay thế. Lúc đi một vòng kiểm tra và chụp ảnh để làm báo cáo, anh phát hiện chú chó giống Đức nằm nép vào chân cầu thang, bộ lông nó ướt nhẹp như đã dầm mưa suốt đêm qua. Anh gọi bảo vệ đem thức ăn cho nó và in vài tờ giấy thông báo dán ngoài cổng công trình hy vọng chủ của nó tìm đến.

Lúc Nguyên ra về, con chó vẫy đuôi tíu tít chạy theo có xua thế nào nó cũng không quay lại. Anh cứ nghĩ nó sẽ dừng ở bến sông, ai ngờ lúc con đò bắt đầu quay mũi thì nó nhảy phắt lên đò. Anh đành chở nó theo, nếu chủ của nó tìm đến thì đã có số điện thoại để họ liên lạc. Phú đặt tên cho nó là Rex vì nó khá giống với chú chó thám tử trong bộ phim nổi tiếng mà ngày bé đứa trẻ nào cũng mê. Rex rất khôn, không sủa bậy, ăn uống gọn gàng. Nguyên sang nhà bà Hân xin một bó rơm bện cho Rex cái ổ đặt nơi hiên nhà. Anh có cảm giác ngôi nhà này bỗng dưng thân thuộc, chú chó này bỗng dưng thân thiết.

Bẵng đi một buổi sáng anh không thấy bà Hân tưới cây nhổ cỏ. Dẫn theo Rex sang nhà bà, cất tiếng gọi mấy lần, anh bước hẳn vào trong nhà. Bà ốm rồi, sốt cao, bà nói anh về đi kẻo lây, chắc bà nhiễm Covid rồi.

- Bà ốm sao không gọi chúng cháu. Người già cả mà ở một mình thế này!

Nguyên gọi Phú mua giúp mấy cái que test và đem quần áo, đồ dùng cá nhân của mình đặt ở cổng nhà bà Hân, anh sẽ ở lại chăm sóc bà cụ. Nhà cửa đơn sơ, gian bếp rộng, đồ đạc cũ nhưng sạch sẽ. Nguyên vực bà dậy, một tay đỡ bà, tay đút cháo. Bà vừa ăn vừa bảo “tôi lại làm khổ cậu rồi”. Nguyên trấn an bà rằng sức thanh niên, nếu có nhiễm bệnh cũng nhẹ thôi, với lại anh đã tiêm hai mũi vắc xin rồi. Đêm nằm trên chiếc giường gỗ, bà cụ bảo giường đó Hạnh hay nằm, dịch giã em nó không về được! Nguyên thấy chiếc gối mình nằm thoang thoảng hương vỏ bưởi. Đêm anh thức dậy mấy lần chườm mát, pha thuốc hạ sốt cho bà. Hai hôm sau thì bà cụ hết sốt, anh cõng bà ra ngồi ngoài hiên nhà. Gió trong vườn lồng lộng thổi, con Rex có mảnh sân rộng cứ tung tăng chạy ra chạy vào. Nguyên không có biểu hiện sốt nhưng que test hiện lên hai vạch thành ra anh đành ở lại nhà bà cụ. Nhìn đống củi bà xếp gọn ghẽ trong vườn, anh hỏi bà trữ củi để làm gì. Hỏi xong câu ấy thì anh thấy đôi mắt bà sáng lên, khóe miệng móm mém mỉm cười, bà nhắc đến những đứa con, cháu với giọng sôi nổi, tươi vui. Củi ấy, phần thì để tết luộc bánh chưng, phần thì để đốt đống lửa ngoài sân suốt mùa đông vừa sưởi ấm vừa nướng ngô, lùi sắn. Rồi bà đột ngột hỏi anh còn ở lại đây đến tết không. Câu hỏi ấy khiến lòng anh ngân nga lên một chặp. Anh nghĩ đến Hạnh, cô bé nhỏ nhắn có mái tóc dài, giọng nói trong veo.

Ngồi không ngứa ngáy chân tay, Nguyên lấy máy cắt dọc cái phi sắt, anh hàn chân đế, đặt nửa cái thùng phi lên rồi thêm một tấm lưới sắt. Thế là đã có một cái lò củi ngoài trời, vừa không ám lửa xuống sân lại tha hồ nướng ngô khoai. Bà cụ Hân cứ tấm tắc khen mãi. Vừa khỏe lại bà đã chống gậy đi thăm từng gốc bưởi, khóm chuối, ngó nghiêng đám rau xanh. Bây giờ Nguyên mới biết bà nói chuyện với cây như với những người bạn lâu năm, chuyện nồi cá kho, chuyện mấy ngày ốm mệt.

Rồi cũng đến ngày nới lỏng giãn cách, Hạnh về, ào vào lòng bà thút thít…

Mùa đông năm ấy, mấy bà cháu quây quần bên cái lò nướng đặc biệt, ánh lửa bập bùng soi tỏ gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh của Hạnh, hằn lên gương mặt bà cụ Hân những nếp nhăn của thời gian. Trong vườn cây cối rì rào kể chuyện. Rex không có ai đến nhận, nó hay nằm gối đầu lên chân Nguyên, ngắm tàn tro bay lên nổ lép bép. Thường bà sẽ đi ngủ sớm, hai mái đầu xanh ngồi bên ánh lửa bập bùng.

Năm ấy Nguyên về quê ăn tết muộn và trở lại công trình sớm nhất. Lúc chở Hạnh đến thăm công trình, anh phát hiện ra đàn ong đã xây tổ trên khung thân của vận thăng. Mùa xuân, vườn của bà cụ Hân như thay một tấm áo mới, hoa bưởi nở trắng cành, thơm nức ủ vào trong làn tóc Hạnh, vào làn mưa nhẹ lây rây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.