Còn vướng mắc gì khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể 'chốt' ngày vận hành?

Vũ Hân
Vũ Hân
08/06/2020 17:13 GMT+7

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ , với tư cách là đơn vị nhận nợ để trả, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành sớm ngày nào thì có lợi cho Hà Nội ngày đó.

Chiều 8.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã trao đổi nhanh với phóng viên về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và hướng giải quyết các vấn đề tồn tại.

"Khai thác sớm ngày nào thì lợi cho Hà Nội ngày đó"

Theo ông Huệ, 12/13 chứng chỉ an toàn của dự án đã được tư vấn Pháp chứng nhận, chỉ còn 1 chứng chỉ cuối cùng thì phải dựa vào kết quả chạy thử nghiệm, mà hiện còn phải chờ chuyên gia Trung Quốc sang.
Hiện nay, các chuyên gia này vẫn chưa có lịch sang cụ thể, dù Bí thư Hà Nội cho biết thành phố sẽ xem xét cơ chế đặc thù cho họ, bố trí cách ly tại khách sạn theo đúng quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn thì sẽ để các chuyên gia này làm việc để đảm bảo tiến độ dự án.
Quan trọng nhất hiện nay là phải chạy thử được để tư vấn Pháp đánh giá. Dự án này, Bộ GTVT là chủ đầu tư. Tổng công ty đường sắt của Hà Nội sẽ tiếp nhận vận hành dự án, nên có vấn đề về đào tạo cán bộ vận hành. Càng để lâu thì giữ chân đội ngũ này rất khó, sau này cũng phải đào tạo lại hết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đồng thời nhấn mạnh: “Thứ nữa, tất cả những vốn liếng của dự án, Hà Nội là người nhận nợ để trả, nên khai thác được sớm ngày nào thì lợi cho Hà Nội ngày đó”.
Bởi lý do này, Thành ủy và UBND thành phố đã làm việc với Bộ GTVT để có 1 tổ công tác liên ngành, do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm tổ trưởng. Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ giải quyết.

Vướng mắc về “cơ chế thanh toán”

Về mốc thời gian cụ thể được đặt ra nhằm giải quyết dứt điểm dự án này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Hà Nội thì mong muốn càng sớm càng tốt, nếu được mốc trước tháng 10 (trước Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội - phóng viên) thì càng tốt. Còn qua làm việc với Hà Nội, Thủ tướng có giao cho Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đưa dự án vào vận hành trong năm nay. Đó là văn bản chính thức của Thủ tướng”.
Trả lời câu hỏi “Bí thư có tự tin về mốc thời gian này không?”, ông Huệ cho biết vẫn phải “chờ vào báo cáo của tổ công tác, hiện chưa có báo cáo cuối cùng”.
Cũng theo Bí thư Hà Nội, vướng mắc của dự án hiện nay là vấn đề “cơ chế thanh toán” vì còn liên quan đến kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
“Vấn đề là cơ chế tài chính cho dự án đó thế nào, thì sau đó kiểm toán họ sẽ có xử lý theo kết quả đó. Qua kiểm toán dự án, một số nội dung Kiểm toán Nhà nước cũng chưa kết luận dứt khoát cái này là giảm hay loại trừ, mà phải xem xét. Sau khi có cơ chế tài chính thống nhất giữa các bên, Chính phủ phê chuẩn, thì mới xử lý được”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm.
Về kinh nghiệm rút ra từ các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ của Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cho biết: “Tất cả kinh nghiệm có thể tổng kết bằng một câu rất đơn giản thôi. Chuẩn bị đầu tư phải rất kỹ lưỡng thì triển khai mới thông suốt, nhanh, hiệu quả được. Hai dự án sắp tới thì càng chuẩn bị càng sớm càng tốt. Thế giới người ta cũng làm như vậy. Các dự án kể cả của các nhà đầu tư tư nhân thôi, họ chuẩn bị kỹ lắm. Mình mà không khéo thì lại ngược lại, chuẩn bị thì nhanh nhưng làm thì lại thành lâu, cuối cùng tổng lại thành lâu”.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, tổng thầu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông yêu cầu thanh toán 50 triệu USD (khoảng hơn 1.100 tỉ đồng) trước khi chạy thử nghiệm dự án. Theo Bộ GTVT, đây mới là yêu cầu đơn phương của tổng thầu và sẽ không được phía Việt Nam chấp nhận, do không đúng với hợp đồng EPC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.