Cứu hơn 100 người
Tại hẻm 313 và hẻm 470 đường Nguyễn Văn Cừ (thuộc 2 tổ dân phố 6 và 7, P.Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột), do lượng mưa liên tục trong nhiều ngày, nước dâng từ suối Ea Nao khiến nhiều nhà đã ngập gần hết tầng 1. Dòng nước chảy xiết theo các con hẻm khiến nhiều nhà bị cô lập, người trong nhà, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em không thoát được ra bên ngoài.
Nhận tin báo, lực lượng công an, quân đội tại địa phương nhanh chóng đưa xuồng, phao, dây thừng vào khu vực ngập nặng để tiến hành ứng cứu, hỗ trợ hơn 100 người dân thoát khỏi vùng ngập.
Nhà ông Nguyễn Quang Kỳ (tổ dân phố 6, P.Tân Lập) nằm cạnh hẻm, nước lũ tràn về nhanh khiến gia đình ông không kịp trở tay. Nhớ lại chuyện chạy lũ, giọng ông Kỳ chưa hết bàng hoàng: “Chưa bao giờ lũ quét về ào ạt giữa phố như thế. Do con suối sau nhà bị tắc khiến dòng nước không kịp chảy, dâng ngược lại làm ngập cả khu phố. Nước tràn vào nhà tôi và nhiều hộ khác rất nhanh, làm hư hỏng rất nhiều đồ đạc. Vợ chồng tôi định trèo lên mái nhà tránh lũ thì may mắn lực lượng công an, bộ đội có mặt kịp thời, đưa đến nơi an toàn”.
|
Anh Lê Minh Thức, Bí thư Đoàn thanh niên Công an TP.Buôn Ma Thuột, kể: “Sau khi nhận được tin báo của địa phương, toàn bộ cán bộ chiến sĩ ứng trực của Công an TP.Buôn Ma Thuột đã tiến hành triển khai các phương án để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Lúc này, sau khi đưa gần 100 người dân đến nơi an toàn thì chúng tôi phát hiện bên kia dòng nước chảy xiết có 4 hộ gia đình khoảng 15 người bị cô lập, nước đã dâng gần đến mái nhà. Một tổ chiến sĩ liền triển khai dây thừng để đưa từng người dân vượt qua dòng nước đến nơi tránh trú. Trong lúc ứng cứu, một số cán bộ, chiến sĩ bị thương do lội nước giẫm phải mảnh chai vỡ, vật sắc nhọn”.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND P.Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, cho biết do mưa lớn kéo dài, chính quyền phường đã hỗ trợ khắc phục khó khăn cho khoảng 50 hộ dân bị ngập, thiệt hại tài sản. “Nhiều hộ dân bị ngập nặng, chúng tôi đã phối hợp với công an, bộ đội đưa người và tài sản đến nơi an toàn. Phường đã hỗ trợ khám y tế, và mua sắm một số vật dụng cho sinh hoạt”, ông Đức nói.
Dầm mình trong lũ vá đê cứu lúa
Cũng trong đợt mưa lũ đầu tháng 8, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lớn khiến 6.000 ha hoa màu, cây trồng các loại bị thiệt hại. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm khác cũng bị chết, bị lũ cuốn trôi, 4 xã Ia Lốp, Ia R’vê, Ia Lơi và Ea Rốk cùng hàng chục ngàn dân bị cô lập mấy ngày liền.
Công an huyện Ea Súp cùng với nhiều lực lượng vũ trang địa phương đã huy động người và phương tiện cứu hộ, tiếp cận những vùng lũ dữ để cứu người và di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Còn tại huyện Krông Ana, sự cố vỡ đê bao Quảng Điền khiến cho hàng trăm ha lúa chuẩn bị thu hoạch của người dân bị nhấn chìm trong nước. Chống chọi với dòng lũ lớn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội huyện dầm mình dưới nước gần cả ngày trời để giúp dân vá lại đoạn đê vỡ. Lực lượng cứu hộ đã dùng cọc đóng ở mép bờ sông, dùng lưới B40 và hàng ngàn bao tải đất tạo nên con đê tạm, ngăn thành công dòng lũ từ sông Krông Ana, cứu nguy hơn 1.000 ha lúa của người dân ở 2 xã Quảng Điền và Bình Hòa.
Anh Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Công an H.Krông Ana, chia sẻ: “Sau khi nhận được tin báo, toàn bộ lực lượng công an huyện đã có mặt ở hiện trường để chia nhau từng nhóm, cùng các đơn vị chức năng khác và người dân vá đê. Nhóm thì tìm cọc gỗ để cắm làm hàng rào giữa dòng nước, nhóm xúc đất, chuyển đất, nhiều anh em dầm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ. Do nước sâu chảy xiết, đoạn đê bị vỡ dài nên cũng khó triển khai phương tiện để vá đê. Tuy vậy, việc cứu được hàng ngàn ha lúa cho bà con cũng ai nấy đều vui mừng, quên hết mệt nhọc”.
|
Sau khi khắc phục giúp người dân qua cơn mưa lũ, lực lượng công an toàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức nhiều đợt hoạt động lao động giúp dân. Nhiều đơn vị trực tiếp đến những địa phương bị thiệt hại nặng để thăm hỏi, trao quà động viên, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, vượt qua khó khăn.
Bình luận (0)