Công an tỉnh Thanh Hóa: 90% nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ

10/12/2022 16:26 GMT+7

Theo số liệu từ Công an tỉnh Thanh Hóa , có đến 90% số người bị lừa đảo , bị chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng trong năm 2020 là phụ nữ, nạn nhân chủ yếu chưa hiểu biết, ham lời.

Chiều 10.12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin sơ bộ về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn

Minh hải

Theo thiếu tướng Hà, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng, trong đó lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 92 vụ.

Điển hình của các hành vi lừa đảo trên không gian mạng là các đối tượng hoạt động thông qua các website, sàn giao dịch tiền ảo, ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook. Phạm vi hoạt động rất rộng, nơi cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài nhưng lừa đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Quá trình điều tra xác định khu vực sử dụng thiết bị, tang vật để lừa đảo nằm ở khu vực biên giới Việt Nam. Trong đó, nhiều đối tượng, đường dây, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động trên lãnh thổ nước ngoài như Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) có thiết bị là số điện thoại, địa chỉ IP ở nước ngoài.

Tích cực tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm để phòng ngừa

Một đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra vấn đề tại sao nạn nhân trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lại đa số là phụ nữ, và ngành công an đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là với phụ nữ?

Trả lời chất vấn, thiếu tướng Trần Phú Hà cho biết thực trạng có tới 90% nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt là phụ nữ, trong đó chủ yếu là lao động tự do hoặc không có việc làm.

Đoàn chủ tịch điều hành kỳ họp

Minh Hải

“Nguyên nhân là do lực lượng (phụ nữ bị lừa đảo - PV) này không tiếp cận được thông tin, nhẹ dạ. Trong khi phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo rất tinh vi”, thiếu tướng Hà nêu.

Đối với ý kiến của đại biểu nêu tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chạy việc” vào các cơ quan Nhà nước ngày càng xuất hiện nhiều, thiếu tướng Trần Phú Hà cho biết thời gian tới Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt tình hình, triển khai nghiệp vụ để sớm phát hiện đối tượng nghi vấn, từ đó có biện pháp xử lý.

Để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đặc biệt là trên không gian mạng, thiếu tướng Trần Phú Hà cho rằng các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ và thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến người dân, đặc biệt là tuyên truyền về các hình thức, thủ đoạn của tội phạm.

Từ thực trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng tội phạm lừa đảo, nhất là lừa đảo trên không gian mạng hiện nay còn diễn biến hết sức phức tạp.

Theo ông Hưng, để phòng ngừa loại tội phạm nêu trên thì đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa và các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới; phát huy sức mạnh toàn dân, và cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm; công khai rộng rãi về quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng để phòng ngừa tội phạm lợi dụng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.