Đây là thông tin được thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cung cấp tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TP.HCM chiều 3.8 về việc xử lý các ứng dụng tín dụng đen.
Tình trạng tín dụng đen bùng nổ khiến người dân bức xúc nhiều năm qua, nhất là tình trạng cho vay tín chấp qua các ứng dụng (app). Nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát, bị đe dọa, khủng bố tinh thần.
Công an TP.HCM vạch trần thủ đoạn tinh vi của tín dụng đen
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhận định, các nhóm hoạt động tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, thì trên địa bàn xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.
Cũng theo thượng tá Lê Mạnh Hà, các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có người liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm nhưng người vay phải trả thêm các loại phí như: phí dịch vụ, phí phạt... Do đó, lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng.
Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 nghi can; triệt xóa 27 app (ứng dụng) cho vay tín dụng đen như: goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay...
Công an TP.HCM: ‘Nhiều nơi trốn đóng bảo hiểm, né tránh nghĩa vụ với người lao động’
Bình luận (0)