Ngày 7.6, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này vừa tiếp nhận hồ sơ từ thanh tra tỉnh để điều tra xử lý những sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà.
Trước đó, theo Kết luận thanh tra số 2096 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lâm Hà (thành lập năm 2018 trên cơ sở gộp chung Ban QLRPH Lán Tranh và Ban QLRPH Nam Ban) đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí… Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ để điều tra xử lý.
Giao khoán thiếu minh bạch
Qua thanh tra, trong 188 hợp đồng giao khoán rừng, đất lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 2.449 ha mà Ban QLRPH Lâm Hà ký với các hộ dân, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng phát hiện 43 hộ/22 hợp đồng không đúng đối tượng, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo các nghị định của Chính phủ; thiếu minh bạch, không niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao khoán tại trụ sở UBND cấp xã. Mặt khác, trong các bộ hồ sơ xin nhận khoán đất trồng rừng của K’Jioh và Phan Hùng Phi, có việc giả mạo chữ ký của ông Phạm Minh Liệu, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Thọ và con dấu của UBND xã Phúc Thọ (H.Lâm Hà).
Nghiêm trọng hơn, mặc dù UBND H.Lâm Hà đã có văn bản yêu cầu tạm ngưng giao khoán rừng theo Nghị định 135/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng Ban QLRPH Nam Ban vẫn tiếp tục ký kết hợp đồng giao khoán đối với 6 hợp đồng với 55 ha đất cho các cá nhân là viên chức của đơn vị để trồng rừng. Tương tự, Ban QLRPH Lán Tranh còn tùy tiện đặt ra hồ sơ tạm giao, cam kết trồng rừng, cho phép 69 hộ gia đình, cá nhân (trong đó có người nhà hoặc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Ban QLRPH Lán Tranh) phát dọn thực bì hơn 504 ha để trồng rừng không đúng quy định. Hậu quả, đến nay có hơn 470 ha đất lâm nghiệp biến thành rẫy cà phê.
Từ 25 - 27.5, Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang?, phản ánh tình trạng rừng tự nhiên ở Lâm Đồng không chỉ bị triệt hạ bởi nhiều chủ đầu tư “núp bóng” dự án, “lâm tặc”, mà còn bị “chia năm xẻ bảy” khi giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ... Chỉ riêng tại H.Bảo Lâm có 4 cộng đồng được giao tổng cộng gần 1.100 ha rừng, đất rừng ở xã Lộc Nam (2), xã Lộc Phú (1), Lộc Bắc (1).
Cả 4 rừng cộng đồng này ngay sau khi bàn giao thì rừng tự nhiên liền rơi vào “chu kỳ” bị tàn phá, “xóa trắng” để biến thành trang trại cà phê. Không chỉ để mất rừng, tại H.Bảo Lâm còn xảy ra tình trạng hồ sơ phê duyệt một đằng, khi ra quyết định giao đất, giao rừng lại giao một nẻo; thực tế quá trình thực hiện xảy ra nhiều khuất tất, thậm chí có vụ còn “dính” đến cán bộ xã, huyện...
Sau khi Thanh Niên phản ánh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có sai phạm.
|
Nhận đất rừng nhưng trồng… cà phê
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện trong số 31 hợp đồng mà Ban QLRPH Lâm Hà đã giao khoán với diện tích hơn 654 ha, có tới 30 hợp đồng không thực hiện đúng phương án trồng rừng theo hợp đồng đã ký kết. Cụ thể, chỉ có 67,56 ha trồng rừng đúng phương án, còn lại trên 516 ha đang canh tác cà phê và một số cây trồng khác. Trong diện tích rừng được giao khoán nói trên có tới 29 ha rừng phòng hộ tại các tiểu khu 241A và 243A (xã Phi Tô) bị mất, nhưng Ban QLRPH Lâm Hà không kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Một sai phạm khác, trong số 17 hợp đồng giao khoán trồng rừng với hơn 819 ha, các ban QLRPH Nam Ban và Lán Tranh đã đồng ý cho chuyển nhượng thành quả đầu tư gần 397 ha và buông lỏng quản lý với 422 ha còn lại. Hậu quả đất bị lấn chiếm nhưng không được xử lý và bị sang nhượng trái phép. Cụ thể, ở xã Phúc Thọ xảy ra tình trạng người được tạm giao đất để trồng rừng, nhưng lại ngang nhiên sang nhượng 19,9 ha để hưởng lợi bất hợp pháp 820 triệu đồng.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện ông Thái Văn Phương, nguyên Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Lâm Bô (xã Phúc Thọ), đã chiếm dụng khoảng 2,5 ha đất rừng để trồng cà phê và mắc ca... Tại khu vực trạm Sình Cỏ (xã Tân Thanh), ông Thái Văn Dương (được cho là họ hàng với ông Phương) chiếm 0,5 ha đất rừng trồng bơ và sao đen… suốt hơn 10 năm nay, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Tại khu vực nhà trạm Konzan (xã Tân Thanh), ông Thái Văn Cương (em trai ông Phương) đã trồng khoảng 1,8 ha muồng đen trên đất rừng phòng hộ; một số hộ khác xây dựng nhà trái phép đối diện và ngay cạnh trạm bảo vệ rừng vẫn chưa bị giải tỏa...
Bình luận (0)