Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang ? Dự án hơn 25.000 tỉ đồng để... mất rừng

26/05/2020 05:53 GMT+7

Theo điều tra của PV Thanh Niên , nhiều cá nhân, tổ chức không chỉ “núp bóng” dự án trồng cao su để triệt hạ rừng tự nhiên, thậm chí là triệt hạ nhiều khu rừng có gỗ quý, cổ thụ...

Điển hình là dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị nam Đà Lạt) nằm ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) của Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, trụ sở tại TP.Đà Lạt).

257 ha rừng bị tàn phá

Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Khu đô thị nam Đà Lạt vào ngày 30.12.2010. Dự án nằm trên địa bàn 4 xã của H.Đức Trọng (gồm Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan), có tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595 ha (trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050 ha), tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 - 2018. Dự án có 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người.
Đến nay, sau 10 năm triển khai, dự án mới chỉ thực hiện được một số hạng mục: 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa. Trong khi các hạng mục chính lại chưa thực hiện, như khu dân cư trú đông, khu biệt thự mùa hè, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị trung tâm, khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, vườn hoa, khu cổng mặt trời...
Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, cho biết: “Tại dự án này của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã để rừng bị phá lên đến hơn 257 ha và trên 111 ha đất rừng bị lấn chiếm. Theo quy định, trách nhiệm chính là của chủ rừng”. Cũng theo ông Hoàng, công ty có lập một số kế hoạch kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng nhưng chỉ mang tính hình thức. Năm 2017, Sở Tài chính có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỉ đồng, nhưng đến nay mới nộp 1,67 tỉ đồng.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, cho biết Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đến nay vẫn chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng, mà đã tiến hành làm đường giao thông là không đúng quy định.
Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang ? Dự án hơn 25.000 tỉ đồng để... mất rừng1

Khu vực rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại dự án của Công ty TNHH Thành Phong nhưng UBND H.Lạc Dương đã cho san ủi

Nhận rừng trên giấy ?

Trả lời chất vấn của PV, ông Trần Văn Phong, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, phân trần: “Những con đường đã làm tại dự án là những con đường mòn đã có sẵn, công ty chỉ san gạt lại, không xâm hại tài nguyên rừng nên không làm thủ tục (!)”.
Ông Phong cho hay rất bất ngờ về con số để mất 257 ha rừng, bởi con số này là “quá oan cho công ty”. “Công ty nhận rừng từ năm 2011 và có ký nhận, nhưng thực tế khi đó vì khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư nên công ty chỉ nhận rừng trên văn bản giấy tờ, mà không nhận bàn giao trên thực địa, đó là sơ suất của công ty vì thực tế đất trống đồi trọc nhiều, mong cơ quan chức năng xem xét lại. Nói để mất rừng như vậy, con số lâm sản thiệt hại lên đến hàng ngàn khối, nhưng vì sao các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương thường xuyên tuần tra, canh gác mà đến nay chưa phát hiện xử lý một vụ nào có liên quan đến lâm sản, vậy số lâm sản đó đi đâu?”, ông Phong nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc giao đất, giao rừng luôn được thực hiện theo đúng quy định, tất cả đều có cơ sở chứ không tự nhiên mà giao trên giấy, số liệu có rõ ràng và 2 bên đã ký xác nhận bàn giao nên không thể nói có nhiều “đất trống đồi trọc” được.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (chủ rừng cũ), khẳng định: “Để giao rừng cho chủ mới, các đơn vị liên quan đã làm thủ tục kiểm kê và được thẩm định, đối chiếu thực tế đầy đủ. Đủ thủ tục, tỉnh mới thu hồi rừng của chủ cũ để giao cho chủ mới, và khi giao đất giao rừng đều là sạch: rừng không bị phá, đất không bị lấn chiếm, nên không thể có chuyện là đất trống, đồi trọc, đổ thừa cho việc rừng bị mất thời chúng tôi quản lý được”.
Theo ghi nhận của PV, nhiều cánh rừng trong phạm vi dự án “loang lổ da beo”, tình trạng lấn chiếm đất rừng rất phổ biến. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết dự án Khu đô thị nam Đà Lạt là một trong những dự án lớn nhất ở tỉnh nhưng lại chậm tiến độ và để xảy ra phá rừng với diện tích lớn. Thanh tra Chính phủ đang thanh tra toàn diện dự án này, tỉnh chờ kết luận của thanh tra rồi sẽ tiến hành xử lý tiếp theo. (còn tiếp)
Huyện cho san ủi cả rừng phòng hộ
Không những vậy, có nơi chính quyền địa phương còn tiếp tay cho doanh nghiệp san ủi cả rừng phòng hộ. Điển hình là tại dự án Quản lý bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp và kinh doanh du lịch dưới tán rừng của Công ty TNHH Thành Phong (nằm trên địa bàn xã Đạ Sar, H.Lạc Dương - giáp ranh với TP.Đà Lạt), quy mô diện tích rộng 99 ha, trong đó diện tích thuê rừng trên 94 ha.
Vào các năm 2008, 2012 dự án này đã được UBND H.Lạc Dương 2 lần cho phép san ủi hơn 6,5 ha đất rừng phòng hộ để sản xuất nông nghiệp, và thực tế đã bị san ủi hơn 8,2 ha (tính cả phần diện tích bị một số người lấn chiếm). Lý giải vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho rằng có xin phép san ủi, còn cho phép là cơ quan chức năng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND H.Lạc Dương, thừa nhận có vấn đề này và việc huyện cho san ủi là sai vì đất rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Hàng loạt doanh nghiệp sai phạm
Theo hồ sơ của PV Thanh Niên, từ năm 2011 - 2016, Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã ban hành 248 quyết định khai thác tận thu lâm sản với diện tích trên 9.535 ha, tổng sản lượng 320.809 m3 gỗ các loại để chuyển sang trồng cao su, rừng kinh tế, bố trí đất sản xuất.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hầu hết các doanh nghiệp đều sai phạm trong việc xác định trữ lượng gỗ, nhóm gỗ từ khâu thiết kế đến thẩm định, nên khối lượng gỗ thực tế khai thác lớn hơn giấy phép hàng ngàn mét khối. Hồ sơ thiết kế khai thác gỗ thể hiện chủng loại cây, nhóm gỗ không đúng, gỗ nhóm 2 đến nhóm 4 (gỗ quý), nhưng hồ sơ ghi từ nhóm 5 đến nhóm 8 (gỗ tạp), gây thiệt hại cho nhà nước.
Điển hình tại H.Bảo Lâm có các doanh nghiệp sai phạm: Công ty CP cao su Bảo Lâm, Công ty TNHH xây dựng thương mại Đại Đại Tiến, Công ty TNHH Mạnh Tuấn và Công ty TNHH Quân Ngọc. Tại H.Đạ Tẻh có các doanh nghiệp sai phạm: Công ty TNHH Hoàng Minh Hồng, Công ty TNHH đầu tư sản xuất Ánh Quang, Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh, Công ty TNHH Đỉnh Thuận, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hương Vĩnh Phát và Công ty TNHH Toàn Xá...
Ngoài ra, ở Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp khác còn “vô tư” khai thác lâm sản ngoài phạm vi được cấp giấy phép với tổng số lượng gỗ lên tới cả ngàn mét khối như Công ty TNHH Việt Tài, Công ty TNHH Kha Vân Thủy (đổi tên từ Công ty TNHH Thành Chí), Công ty TNHH Bảo Lộc Phát... Đáng nói, việc xử lý sai phạm chỉ phạt tiền và buộc các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại lâm sản, khiến dư luận bất bình, nghi vấn về đặc quyền đặc lợi mà các doanh nghiệp được hưởng.
Riêng với các dự án “núp bóng” trồng cao su triệt hạ rừng tại các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Đạ Huoai, ngoài vụ “đại án” liên quan Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc (thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng) có 3 cá nhân bị khởi tố (Thanh Niên ngày 25.5 phản ánh), thì không một cán bộ nào bị xử lý hình sự, chỉ có 1 công chức bị kỷ luật cảnh cáo, 5 cán bộ bị khiển trách và 5 người khác ở các xã bị phê bình, rút kinh nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.