Theo cơ quan chức năng, ô tô không rõ nguồn gốc được mua bán công khai chủ yếu là tài sản ngân hàng, nhập lậu từ nước ngoài hoặc do trộm cắp, lừa đảo. Đáng nói, các xe này đa phần dùng giấy tờ, biển số giả để lưu thông, nhưng cũng có trường hợp lọt qua cửa đăng kiểm để được cấp sổ, tem đăng kiểm thật 100%.
Ô tô 43A-154xx sau khi dùng giấy tờ giả “lọt” qua đăng kiểm và được cấp giấy hẹn trả kiểm định |
Mã Phong |
Giấy tờ giả lọt qua đăng kiểm
Điển hình, chiếc ô tô Range Rover đời 2013 (BS 43A-154xx) đứng tên chủ xe là Công ty N.T (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) là tài sản đang được thế chấp tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, hiện đang thi hành án, nhưng vẫn được tài khoản “Trần Hoàng” rao bán giá 460 triệu đồng. Khi đang cho khách xem xe tại một quán ăn ở P.28, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thì bị Công an P.28 kiểm tra hành chính, tạm giữ xe. Kiểm tra xe này, công an thu giữ các giấy tờ gồm sổ đăng kiểm (được Chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới 61.02S thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Bình Dương cấp, giá trị từ ngày 29.6.2022 - 29.6.2023); biên lai thu phí sử dụng đường bộ; giấy đăng ký xe photocopy có chứng thực bản sao; giấy biên nhận thế chấp của Agribank chi nhánh Q.Hải Châu ký ngày 22.6. Qua xác minh cho thấy con dấu và chữ ký của văn phòng công chứng trên giấy đăng ký xe photocopy và giấy biên nhận thế chấp của Agribank là giả mạo. Riêng sổ, tem đăng kiểm và biên lai thu phí sử dụng đường bộ của xe là thật. Vậy tại sao xe đang thi hành án, dùng các loại giấy tờ giả vẫn được đăng kiểm và cấp sổ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Châu Văn Dũng, Trưởng chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới 61.02S, cho biết qua kiểm tra hồ sơ đăng kiểm xe BS 43A-154xx đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Theo đó, ngày 29.6, một người đàn ông đến Chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới 61.02S (TP.Dĩ An, Bình Dương) đăng ký đăng kiểm xe và các tiêu chuẩn về kỹ thuật, bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn. Theo ông Dũng, hồ sơ xe đầy đủ các giấy tờ theo quy định, qua kiểm tra hệ thống thi hành án, công an nhưng chưa phát hiện sai phạm hay quyết định xử lý đối với xe này. “Chúng tôi thực hiện công tác đăng kiểm xe cho người dân nếu như xe đó đầy đủ giấy tờ theo quy định. Chi nhánh đăng kiểm, kiểm định viên không có nghiệp vụ để xác minh giấy tờ có dấu đỏ, chữ ký là thật hay giả”, ông Dũng cho hay. Cũng theo ông Dũng, qua kiểm tra hồ sơ, thủ tục, quy trình đăng kiểm và cấp sổ cho xe 43A-154xx chưa thấy gì bất thường. “Việc xe này dùng giấy chứng nhận ngân hàng giả, giấy đăng ký xe photocopy có chứng thực giả để qua mặt chi nhánh đăng kiểm là điều đáng tiếc, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, xác minh kỹ đối với những trường hợp nghi ngờ”, ông Dũng nói.
Hàng ngàn xe ngân hàng được mua bán ra ngoài
Trao đổi với PV Thanh Niên, một đại diện Ngân hàng TPBank cho biết hiện theo hồ sơ, riêng tại TP.HCM đã có 1.800 ô tô là tài sản ngân hàng này được người vay cầm cố, mua bán ra ngoài. Công tác truy tìm, thu hồi ô tô bị người vay cầm cố, mua bán ra ngoài rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn vì sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương còn yếu, chưa đồng bộ, chưa quyết liệt. Công tác thu giữ tài sản phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, trong khi đó phần lớn lực lượng công an, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng khi chủ tài sản không có mặt tại nơi cư trú hoặc chủ tài sản đồng ý cho ngân hàng xử lý tài sản. Trường hợp phát sinh vấn đề như chủ tài sản phản đối hoặc các bên khác gây ảnh hưởng, lực lượng công an, chính quyền địa phương sẽ không tiếp tục hỗ trợ với lý do đảm bảo an ninh trật tự.
Tem đăng kiểm xe 43A-154xx có thời hạn đến tháng 6.2023 |
Theo Ngân hàng TPBank, khách hàng phát sinh nợ quá hạn bị thu giữ xe thường có thái độ chống đối, cản trở việc thu giữ phương tiện, thậm chí có trường hợp còn huy động người thân, xã hội đen, sử dụng hung khí nhằm ngăn cản, đe dọa cán bộ ngân hàng. Trường hợp ô tô bên thế chấp cất giữ trong nhà thì ngân hàng khó tiếp cận. Khi người vay cố ý tẩu tán tài sản hoặc cầm cố cho người thứ ba, bán cho bên thứ ba, ngân hàng thường rất khó trong việc xác định ô tô để thu hồi vì xe đã trôi nổi qua nhiều người sử dụng. “Hiện chưa có quy định hoặc quy chế phối hợp, cam kết nào giữa ngành ngân hàng, giao thông vận tải, công an trong việc tìm ra các giải pháp để quản lý, giám sát thu hồi xe là tài sản ngân hàng”, đại diện TPBank cho biết.
Đừng ham ô tô giá rẻ trên mạng
Chia sẻ với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an), cho rằng tình trạng mua bán ô tô gian, xe cầm cố ngân hàng, xe nhập lậu không nguồn gốc với giá rẻ đã diễn ra từ lâu, thủ đoạn không mới và các đối tượng bán xe gian có dấu hiệu buôn lậu và cả dấu hiệu lừa đảo. Đại tá Nhật cho biết để tránh trở thành nạn nhân, người dân tuyệt đối không nên ham rẻ, không nghe các đối tượng dụ dỗ. Trước khi mua xe cần tìm hiểu các quy định để đảm bảo tuân thủ pháp luật, cũng như bảo vệ quyền lợi cho mình.
Sổ đăng kiểm thật 100% của xe 43A-154xx |
Theo đại tá Nhật, những chiếc xe gian không thể đăng ký được bởi không đủ giấy tờ, điều kiện. Các xe đủ điều kiện đăng ký phải đủ điều kiện về nhập khẩu như hải quan, đóng thuế. Ngoài ra, những người rao bán xe không giấy tờ giá rẻ quảng cáo có thể đăng kiểm được cũng hoàn toàn bịa đặt, vì theo quy định những chiếc xe không giấy tờ sẽ không thể đăng kiểm được. Ngoài ra, những chiếc xe này tham gia giao thông mà bị phát hiện thì lập tức sẽ bị tạm giữ phục vụ việc xác minh, làm rõ nguồn gốc xe để xử lý theo quy định pháp luật.
Một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) khuyến cáo hành vi mua bán xe gian trên mạng là vi phạm pháp luật. Hiện thủ đoạn mua bán xe gian trên mạng ngày càng nhiều, tinh vi, táo tợn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán xe gian, nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, sơ hở nên mua phải những xe này. Nếu mua phải xe gian sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý về giấy tờ (không có giấy tờ hoặc giấy tờ giả), nguồn gốc xe (có thể là xe trộm cắp) mà người mua không lường hết được.
Các đối tượng rao bán xe gian trên mạng với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường nên hợp túi tiền của nhiều người, nhưng nếu mua dễ gặp rủi ro, rắc rối, mất tiền oan, thậm chí vi phạm pháp luật.
Theo vị lãnh đạo này, hiện việc xác minh chủ sở hữu của các xe gian là khó khăn nhất vì các xe này có thể đã bị đục lại số khung, số máy, các đối tượng làm rất tinh vi, khó phát hiện. Trước thực trạng này, công an các địa phương cần xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa, không để hoạt động mua bán xe gian xảy ra trên địa bàn. Người dân cũng cần cảnh giác để tránh mua phải xe gian, tránh gặp những rủi ro không đáng có.
Công khai mua bán ô tô 'gian' trên mạng
Lộ diện đường dây mua bán phi pháp
Bình luận (0)