Alibaba và Tencent đối đầu để giành thị trường Đông Nam Á

12/09/2018 09:20 GMT+7

Hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từ lâu đã đụng nhau trong trận chiến khốc liệt để giành ngôi thống trị mạng internet tại quê nhà.

Tuy nhiên, trong vài năm qua, cuộc chiến này đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, chuyển sang một chiến trường quan trọng khác là Đông Nam Á. Theo Channel News Asia, Alibaba và Tencent đã đầu tư số tiền khổng lồ, và cả uy tín thương hiệu của họ, vào nhiều công ty khởi nghiệp.
Ở Đông Nam Á, Alibaba đã tập trung vào việc mua lại các thương hiệu thương mại điện tử. Còn Tencent lại trải rộng đầu tư của mình vào nhiều lĩnh vực, từ trò chơi trực tuyến, gọi xe trực tuyến cho đến dịch vụ đi chung xe đạp và cả thương mại điện tử.
Giới quan sát thị trường nói với Channel News Asia rằng họ mong đợi Alibaba và Tencent sẽ đối đầu với nhau ở nhiều địa hạt đầu tư hơn, vì cả hai hãng đều muốn xây dựng hoạt động kinh doanh sử dụng thanh toán di động. Song, điều này có khả năng đẩy các công ty khởi nghiệp gây quỹ vào một vị trí lựa chọn chật hẹp, nguyên nhân là do hai ông lớn công nghệ này không được đồng đầu tư với nhau.
“Từ các cuộc đàm phán đang diễn ra trong cộng đồng khởi nghiệp của chúng tôi, tôi nghĩ những người sáng lập đang bắt đầu đưa ra chiến lược trong việc chọn nhà đầu tư giữa Alibaba và Tencent”, Grace Sai, người điều hành không gian làm việc chung Found ở Singapore, cho hay.
Tháng 8.2018, Alibaba đã đánh bại Tencent để nắm giữ cổ phần thiểu số trong hãng bán lẻ trực tuyến Tokopeddia, hay còn được gọi là Taobao của Indonesia. Trước đó, vào tháng 5.2017, Tencent dẫn đầu một vòng tài trợ trị giá 1,2 tỉ USD cho Go-Jek, công ty công nghệ cung cấp dịch vụ đi chung xe có trụ sở tại Indonesia. Một ví dụ khác trong cuộc đua này là Alibaba đã hậu thuẫn cho hãng cho mượn xe đạp Ofo, trong khi Tencent lại là người đứng sau Mobike, hệ thống chia sẻ xe đạp có trụ sở ở Bắc Kinh. Có một ngoại lệ đáng chú ý là Alibaba và Tencent đều quan tâm đến Grab, cả hai đều có quyền lợi tại Grab thông qua cổ phần trong Didi Chuxing.
Sức hút Đông Nam Á
Giới quan sát thị trường cho rằng các công ty công nghệ cao lớn và các nhà đầu tư cổ phần tư nhân đã đặc biệt bị lôi cuốn bởi Đông Nam Á. Nơi đây được xem là một thị trường với ít đối thủ cạnh tranh có quy mô lớn và rào cản pháp lý thấp hơn so với châu Âu và Mỹ. Theo bà Sai, Đông Nam Á còn là khu vực có nhân khẩu học thuận lợi, với 640 triệu dân và 340 triệu người dùng internet.
“Đông Nam Á có tỷ lệ thâm nhập di động tăng nhanh nhất, dân số có thu nhập trung bình tăng nhanh nhất và hơn 65% dân số dưới 35 tuổi. Mặt khác, hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực tương đối non trẻ với tuổi đời chỉ khoảng từ 6 đến 7 năm, và cũng chỉ có khoảng 6 đến 7 kỳ lân (biệt danh của các công ty khởi nghiệp có giá trên 1 tỉ USD)”, bà Sai cho biết.
Ngược lại, Trung Quốc có đến 124 kỳ lân, nhiều gấp 20 lần so với khu vực Đông Nam Á, theo IT Juzi, cơ sở dữ liệu về các công ty mới thành lập ở Bắc Kinh. Một nửa trong số đó được kiểm soát hoặc được hỗ trợ bởi bộ ba công ty công nghệ Baidu, Alibaba và Tencent. Cho đến nay, Alibaba và Tencent vẫn là những người chơi chủ chốt ở Trung Quốc.
Tìm kiếm đối tác địa phương
Alibaba và Tencent đã phát triển mạnh mẽ tại thị trường sân nhà bằng cách giành thị phần và người dùng thông qua việc mua lại, và họ đang tiếp tục áp dụng hướng tiếp cận này ở Đông Nam Á. Theo hãng đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures có trụ sở tại Singapore, dùng cách tiếp cận địa phương hóa để mở rộng ở thị trường quốc tế là sự khác biệt chính giữa các đại gia công nghệ Trung Quốc và đối thủ Thung lũng Silicon của họ.
“Khi Amazon bước vào khu vực Đông Nam Á, họ đem theo công nghệ riêng và gửi người Mỹ đến Singapore để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của họ”, ông Vinnie Lauria, đối tác quản lý của Golden Gate Ventures, cho biết.
Ngược lại, Alibaba đã thâu tóm Lazada. “Vì vậy, bây giờ họ đang có kiến thức địa phương. Họ đang bản địa hóa công ty không chỉ bằng các ngôn ngữ khác nhau, mà còn bằng đội ngũ đã tạo ra những thương hiệu được người dùng địa phương nhận diện. Đó là chìa khóa cho thành công của họ”, ông Lauria, người không còn xa lạ với các thương vụ mua lại của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, nói thêm.
Theo ông Victor Ai, đối tác quản lý của China Everbright tại Bắc Kinh, hiện các công ty của quốc gia Đông Á đang tìm cách nhân rộng mô hình kinh doanh đã thử nghiệm ở Đông Nam Á, hoặc mua lại công nghệ mà họ có thể mang về nước. Được biết, ông Ai đã dẫn đầu giao dịch đầu tư vào những công ty khởi nghiệp như iQiyi, SenseTime và NIO, với tổng giá trị khoảng 7,3 tỉ USD.
“Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc trong 10 năm qua, bạn sẽ thấy một trong những động lực chính cho các công ty internet là sự tăng trưởng dân số. Nhưng năm 2017, chúng tôi đã tiếp cận hơn 700 triệu người dùng internet và người dùng di động, điều này có nghĩa là internet và internet di động ở Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục chậm lại. Trong tình hình đó, các hãng công nghệ khổng lồ ở Trung Quốc, họ buộc phải ra khỏi đất nước”, ông Ai nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.