Apple vẫn chật vật bán iPhone ở Trung Quốc, Ấn Độ

12/09/2018 18:46 GMT+7

Apple đang chuẩn bị cho kế hoạch cải tiến dòng sản phẩm iPhone, nhưng hãng “táo khuyết” có lẽ sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh với các đối thủ tại một số thị trường điện thoại thông minh nóng nhất thế giới.

iPhone đã không có được chỗ đứng vững chắc ở những nước như Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khác ở châu Á, nơi hiện chiếm phần lớn tăng trưởng doanh thu của điện thoại thông minh.
“Nếu chúng ta nhìn vào thị trường phương Tây, chúng ta sẽ thấy mọi người đều có điện thoại thông minh. Các công ty như Apple, họ sẽ chỉ thấy tăng trưởng chậm lại cũng vì điều đó”, Kiranjeet Kaur, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu IDC, nói với CNN.
Ngược lại, châu Á đang có tiềm năng rất lớn. Mặc dù không ít người dùng trong khu vực này chưa từng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, nhưng cho đến nay Apple dường như đã bỏ lỡ cơ hội. Theo ước tính của ngành, iPhone chỉ chiếm 2% doanh số điện thoại thông minh ở Ấn Độ, và từ 8% đến 10% ở Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất thế giới. Sản phẩm đặc trưng của Apple cũng chỉ đạt được một phần nhỏ tại các thị trường châu Á đầy tiềm năng khác. Cụ thể, số liệu của IDC cho thấy iPhone chiếm 5% doanh số điện thoại thông minh ở Việt Nam, 8% ở Thái Lan và 1% ở Indonesia.
Đối thủ Trung Quốc
Ngoài đối thủ lâu năm Samsung, Apple giờ đây còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những người chơi Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi. Cả bốn công ty này đều xếp trên hãng công nghệ Mỹ ở đại lục, với mức kiểm soát thị trường đạt hơn 80%, theo công ty nghiên cứu Canalys. Riêng Huawei hồi đầu năm nay đã vượt qua Apple để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Samsung.
“Trong những năm gần đây, Apple đã trượt xuống khá nhiều tại thị trường Trung Quốc. Sự đổi mới công nghệ rất tích cực từ các thương hiệu của nước này đang thay đổi đáng kể phân khúc cao cấp. Rủi ro lớn nhất đối với Apple trong tương lai là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, Mo Jia, chuyên gia nghiên cứu của Canalys, nhận định.
Thật vậy, xung đột thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nhiều khả năng sẽ làm khó hoạt động kinh doanh của Apple ở quốc gia châu Á, nơi tổng thể các lô hàng điện thoại thông minh đã chứng kiến đà giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2018. Ngoài ra, thuế quan mới cũng có thể khiến giá điện thoại của Apple tăng cao hơn nữa.
Giá quá đắt đối với người dùng Ấn Độ
Giá cả là thách thức lớn nhất của Apple tại quốc gia Nam Á, nơi có khoảng 800 triệu người chưa từng trải nghiệm internet và hầu hết trong số họ khả năng cao cũng không có điện thoại thông minh.
Ấn Độ là một trong những nơi bán các thiết bị của Apple với giá cao nhất thế giới. Thuế tăng đã đẩy giá của một chiếc iPhone X lên 1.700 USD hồi đầu năm nay. Mức giá đó khiến iPhone trở thành món đồ xa xỉ nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân nước này, những người có thu nhập trung bình năm ít hơn 2.000 USD.
“Mọi người ở đây thậm chí còn không chi tiền quá nhiều cho tivi và những mặt hàng tiêu dùng khác”, chuyên gia Kaur của IDC cho hay.
Năm ngoái, Apple đã bắt đầu sản xuất một số thiết bị tầm thấp hơn tại một nhà máy ở Bangalore để tránh thuế nhập khẩu nặng nề. Nhưng những dòng iPhone mới của hãng như iPhone X và iPhone 8 vẫn được vận chuyển từ nước ngoài vào.
Hiện Apple cũng mất dần lượng người dùng giàu có ở Ấn Độ, phân khúc thị trường mục tiêu chính của hãng. Thương hiệu đang vươn lên trong phân khúc điện thoại thông minh cao cấp là OnePlus của Trung Quốc.
Trong khi đó, điện thoại thông minh của Samsung và Xiaomi phủ sóng gần như khắp phần còn lại của thị trường đông dân thứ hai thế giới. Những tháng gần đây, năng lực sản xuất của hai hãng này tại Ấn Độ đã tăng lần lượt gấp đôi và gấp ba.
iPhone cấp thấp có thể hấp dẫn hơn
Sự kiện ra mắt iPhone mới vào ngày 12.9 của Apple có thể làm cho các phiên bản cũ trở nên hấp dẫn hơn với những người dùng châu Á quan tâm về chi phí. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Apple sẽ giảm giá những mẫu cũ hơn khi dòng iPhone mới được tung ra thị trường.
“Đối với những người dùng muốn ở trong hệ sinh thái của Apple nhưng không muốn chi tiêu số tiền tương ứng, thì đó là một lựa chọn tốt. Mặt khác, nếu Apple bỏ qua thị trường này, thì đó không phải là quyết định khôn ngoan nhất”, bà Kaur nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.