Theo báo cáo nghiên cứu do Google, Temasek và Bain & Co thực hiện, giá trị các giao dịch online tại Đông Nam Á từ lĩnh vực bán lẻ trên mạng cho đến gọi xe sẽ đạt 300 tỉ USD vào năm 2025 và được thúc đẩy bởi 360 triệu người dùng online hiện thời. Đông Nam Á là nhà của Grab, Lazada và bốn nước Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia vốn thuộc top 10 các nước có số giờ online của người dân cao nhất thế giới.
Báo cáo trên do Google và Temasek thực hiện thường niên, đo lường tổng giá trị hàng hóa trong thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, truyền thông trực tuyến và du lịch online. Báo cáo là một trong các tài liệu tham khảo chính cho ngành công nghiệp internet của khu vực. Năm nay, hãng Bain lần đầu tham gia với tư cách đối tác chính và báo cáo cũng lần đầu bao gồm các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Thương mại điện tử vẫn là điểm sáng nhất trong nền kinh tế internet của Đông Nam Á. Với sự hỗ trợ của nhiều ngày hội online với giảm giá hấp dẫn, giải trí trong ứng dụng và lựa chọn giao hàng nhanh hơn, thị trường thương mại điện tử được dự kiến tăng gấp bốn lần, từ 38,2 tỉ USD năm 2019 lên 153 tỉ USD năm 2025. Phần lớn mức tăng này sẽ đến từ Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với 264 triệu người.
|
Thị trường gọi xe, giao hàng qua ứng dụng được dự báo đạt 40 tỉ USD vào năm 2025, tăng mạnh so với ngưỡng 12,7 tỉ USD hiện thời. Grab và Gojek là hai cái tên đi đầu mảng này. Cả hai đều xem giao hàng thực phẩm là động lực chính cho tăng trưởng và lợi nhuận.
Báo cáo nhận định Việt Nam nổi lên là nền kinh tế kỹ thuật số nhất trong tất cả các nền kinh tế Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế internet ước tính chiếm hơn 5% GDP năm 2019. Dữ liệu này trung bình chỉ đạt 3,7% GDP ở Đông Nam Á. Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, nơi nhiều cái tên như Sendo và Tiki cạnh tranh mạnh với Lazada do Alibaba hậu thuẫn và Shopee do Tencent hậu thuẫn.
Ngoài ra, thanh toán kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á và có thể vượt 1.000 tỉ USD năm 2025. Trong số 400 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á, 98 triệu người vẫn chưa được tiếp xúc nhiều với ngân hàng. Họ thường có tài khoản ngân hàng nhưng bị hạn chế truy cập vào các dịch vụ khác, chẳng hạn như tín dụng. 198 triệu người khác còn ít có khả năng tiếp cận với tài chính.
Bình luận (0)