Trang Pharmaphorum cho rằng nhiều cơ sở sản xuất dược phẩm hiện nay dựa vào công nghệ để tự động hóa các quy trình. Số lượng điểm kết nối internet càng tăng thì dữ liệu của họ càng dễ bị tấn công hơn.
Mới đây Bloomberg đưa tin về một nhóm hacker từ Triều Tiên bị nghi tấn công Pfizer Inc. để lấy thông tin về vắc xin và phương pháp điều trị Covid-19. Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) công bố thông tin này hôm 16.2 trong cuộc họp kín với ủy ban tình báo của quốc hội. Nhà lập pháp Ha Tae-keung nói trước các phóng viên ở Seoul: "Pfizer đã bị tấn công". Ông cho biết Hàn Quốc nhận thấy nỗ lực tấn công mạng của Triều Tiên tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 7 năm ngoái, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cùng các cơ quan an ninh mạng ở Anh và Canada cáo buộc tình báo Nga cố tình thực hiện những cuộc tấn công mạng nhắm đến các cơ sở phát triển vắc xin Covid-19. Tập đoàn Microsoft cũng từng thông báo tin tặc Triều Tiên đang cố gắng làm điều tương tự. Theo công ty dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech SE, tài liệu liên quan đến vắc xin từng là mục tiêu của một vụ tấn công mạng nhằm vào Cơ quan Dược phẩm châu Âu, chưa có hệ thống nào của Pfizer bị xâm phạm vào thời điểm đó.
Cũng trong thời gian này, Europol cảnh báo số lượng tội phạm mạng kiếm lợi từ đại dịch Covid-19 đang gia tăng. Chúng đánh cắp dữ liệu vắc xin đem trao đổi cho bên thứ ba, hoặc đòi tiền chuộc bằng cách tấn công những dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sự việc như vậy đã xảy ra tại Bệnh viện Đại học Brno ở Cộng hòa Séc trong thời gian đầu Covid-19 bùng phát ở châu Âu. Tin tặc tắt mạng công nghệ thông tin của bệnh viện, khiến nhân viên y tế phải chuyển một số bệnh nhân cần cấp cứu sang cơ sở gần đó và tạm hoãn những ca phẫu thuật khẩn cấp.
Bình luận (0)