Đây là nhìn nhận của CNN thông qua bài phỏng vấn một số nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam như: Appota, Tiki. Ngoài ra, CNN cũng trích dẫn một báo cáo của Google và Singapore Temasek, mô tả nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - vốn đang tăng trưởng hơn 40% mỗi năm, và đang được đánh giá là "một con rồng đang trỗi dậy".
Sự đột phá trong thị trường phần mềm trên điện thoại thông minh
Được coi là một trong những công ty khởi nghiệp năng động nhất tại Việt Nam, Appota đã khéo léo nắm bắt được sự tăng trưởng của thị trường smartphone trong nước.
Theo bà Nguyễn Thuỳ Liên - Giám đốc đầu tư của Appota, công ty ra mắt từ năm 2011 đến nay và đang có “hệ sinh thái số” với khoảng hơn 40 triệu người dùng. Doanh nghiệp này đã tung ra các trò chơi được cấp phép từ các nhà phát hành tại Trung Quốc (game nhập vai, kỹ xảo, võ thuật), xây dựng ứng dụng thanh toán cho game thủ, cũng như cung cấp các ứng dụng chia sẻ Wi-Fi đọc sách, xem tin tức, phim, truyện tranh và các hình thức giải trí khác. Ngoài ra, Appota cũng đang điều hành một công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp.
|
CNN dẫn lại một báo cáo năm 2019 của Google và Hiệp hội Tiếp thị Di động đã xác định Việt Nam là "thị trường gắn liền với điện thoại di động" có hơn 51 triệu smartphone, với lượng người dùng từ 15 tuổi trở lên đang chiếm hơn 80%. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có mạng lưới phủ sóng rộng khắp, và ngay cả những người dân nông thôn hay vùng núi cũng có thể truy cập 3G hoặc 4G.
Hiện nay, bà Nguyễn Thùy Liên chịu trách nhiệm đảm bảo việc thu hút nguồn vốn cho Appota, đến nay đã huy động được 17 triệu USD. Bà cho biết việc thu hút đầu tư hiện nay dễ dàng hơn so với trước đây. Trong đó, phần lớn các quỹ đầu tư đều đến từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo bà, các nhà đầu tư Việt Nam có vẻ vẫn còn khá e dè vào lĩnh vực công nghệ, họ bảo thủ hơn và thích đầu tư vào bất động sản hơn.
Trong những năm tới, Appota sẽ có bước đột phá mới bằng việc dấn thân vào phát triển các sản phẩm vật lý, hoạt động thông qua điện thoại thông minh. Gần đây, Appota cho ra mắt khóa thông minh được vận hành bởi phần mềm do Appota phát triển. Bà Nguyễn Thùy Liên cũng chia sẻ: “Tầm nhìn của Appota là tích hợp tối đa trên nền tảng điện thoại thông minh cả nơi làm việc lẫn ở nhà". Đây chính là bước tiếp theo của “chuyển đổi số".
Thương mại điện tử có sự bùng nổ mạnh mẽ
Trong thị trường thương mại điện tử, Tiki đang được đánh giá là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Theo CEO Tiki - ông Trần Ngọc Thái Sơn: “Tiki có một lượng lớn hàng tiêu dùng với trung bình 17 triệu lượt khách hàng ghé thăm và khoảng 4,5 triệu mặt hàng được vận chuyển mỗi tháng”.
Sự mở rộng của Tiki là minh chứng cho tốc độ bùng nổ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ước tính trị giá 6,2 tỉ USD vào năm 2019. Quá trình tăng trưởng này dựa trên quy mô dân số trẻ và vẫn không ngừng phát triển của dân số Việt Nam. Người Việt Nam nắm lấy công nghệ mới và cảm thấy lạc quan về tương lai, điều này thúc đẩy họ lên mạng và mua sắm online. Những mặt hàng hàng đầu của Tiki là hàng điện tử tiêu dùng.
|
Sự bùng nổ này phản ánh một phần là nhờ vào sự trẻ trung và sự phát triển của dân số Việt Nam. Người dùng nắm lấy công nghệ mới và cảm thấy lạc quan về tương lai, điều này thúc đẩy họ lên mạng và mua sắm đồ. Những mặt hàng hàng đầu của Tiki là hàng điện tử tiêu dùng.
“Logistic hiệu quả” là chìa khóa thành công của công ty. Tiki có 33 kho hàng tại 13 thành phố và tự hào về lựa chọn giao hàng trong hai giờ. Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đang đô thị hóa, nhưng gần hai phần ba dân số vẫn sống ở nông thôn, dẫn đến việc giao hàng đến các vùng xa thường mất nhiều thời gian hơn và chi phí cao hơn.
Ông Sơn cũng chia sẻ rằng: “Hơn một nửa số người mua hàng vẫn được thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng”. Chính vì thế, điều mà các đơn vị thương mại điện tử mong muốn là xu hướng thanh toán điện tử được áp dụng rộng rãi hơn. Khi đó, người bán được trả tiền sớm hơn và mọi khâu đều được rút ngắn.
Bình luận