Tương lai nào cho cửa hàng ứng dụng trên smartphone Huawei?

Thu Thảo
Thu Thảo
21/05/2019 20:24 GMT+7

Huawei Technologies từng kêu gọi giới sản xuất ứng dụng: Hãy xây dựng phần mềm cho cửa hàng ứng dụng (app store) mới của Huawei bên ngoài Trung Quốc, chúng tôi sẽ giúp bạn vào thị trường nước đông dân nhất thế giới .

Theo South China Morning Post, hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc chia sẻ với các đối tác tiềm năng hồi cuối năm 2018 rằng họ sẽ có khoảng 50 triệu người châu Âu sử dụng app store của riêng mình thay vì dùng app store của Google. Huawei cũng tổ chức nhiều đợt đàm phán với các nhà mạng không dây châu Âu để thông tin rõ hơn về app store riêng.
Kế hoạch cửa hàng ứng dụng của Huawei và nỗ lực ở châu Âu cho thấy tầm quan trọng của lục địa già với hãng Trung Quốc. Hiện tại, ngay cả kế hoạch của hãng ở châu Âu cũng có thể gặp rủi ro. Đó là vì quyết định hạn chế doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ, linh kiện cho Huawei mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua hồi tuần trước.
[VIDEO] Google bất ngờ "đoạn tuyệt" Huawei, ngừng cập nhật và hỗ trợ

"Mờ mịt" kế hoạch app store riêng

Quyết định trên khiến Google phải rút hầu hết hệ điều hành Android và nhiều dịch vụ di động phổ biến khỏi các thiết bị Huawei trong tương lai. Trong thời hạn 90 ngày, Google vẫn có thể cung cấp cập nhật bảo mật Android quan trọng cho Huawei, song các ứng dụng của Google sẽ không còn xuất hiện trên điện thoại Huawei mới sau ba tháng.
Không có sự tham gia của Google, kế hoạch app store của Huawei trở nên mờ mịt. Smartphone Huawei hiện vẫn dựa vào Android và Huawei phụ thuộc vào một số ứng dụng phổ biến nhất của Google để lấy lòng người tiêu dùng. Quyết định từ chính phủ Mỹ không chỉ tổn thương Huawei mà còn làm ảnh hưởng đến Google, hãng dựa vào các nhà sản xuất thiết bị như Huawei để đưa dịch vụ web hấp dẫn của mình đến tay người tiêu dùng.
Điện thoại Huawei bên ngoài Trung Quốc sử dụng phiên bản Android đi kèm gói dịch vụ Google, trong đó có tìm kiếm, Maps, YouTube và đặc biệt là Play store để tải xuống hàng loạt ứng dụng. Bất cứ thiết bị Huawei nào được bán sau thời điểm lệnh cấm từ chính quyền Mỹ có hiệu lực đều sẽ không có những ứng dụng trên. Tình cảnh này khiến Huawei khó lòng cạnh tranh với các đối thủ như Samsung Electronics và Apple trong tương lai. Hàng Samsung vẫn tiếp cận được với Play store và nhiều dịch vụ khác của Google, trong khi Apple thì có app store riêng. 
Theo nhà tư vấn ngành công nghiệp không dây Chetan Sharma, trừ phi Mỹ đổi ý định, Huawei khó lòng “cứu” được mảng kinh doanh di động bên ngoài Trung Quốc. “Đây là thị trường rất trưởng thành. Do đó việc thay thế Andoird app store gần như là không thể. Bạn có thể làm như thế ở Trung Quốc, song không thể ở châu Âu”, ông Sharma nhận định.

Lựa chọn nào cho Huawei?

Theo giới chuyên gia, Huawei có hai lựa chọn. Họ có thể sử dụng phiên bản nguồn mở của Android vốn đang được dùng ở Trung Quốc, đất nước chặn Google. Phiên bản này có một số ứng dụng từ Google, chẳng hạn như Gmail, nhưng thu nhỏ. Dù vậy, Google không kiểm soát phiên bản nguồn mở, không thể quản lý nâng cấp bảo mật hay thu dữ liệu người dùng để giúp dịch vụ hữu ích hơn và quảng cáo tốt hơn.
Lựa chọn thứ nhì của Huawei là dùng phần mềm "cây nhà lá vườn". Năm ngoái, giám đốc di động Huawei Richard Yu cho biết hãng Trung Quốc phát triển hệ điều hành riêng. Hôm 20.5, một giám đốc khác chia sẻ với Financial Times rằng hệ điều hành này đã được thử nghiệm ở Trung Quốc và có thể khởi động khá nhanh.
Trụ cột của chiến lược độc lập này là cửa hàng ứng dụng tự gầy dựng. Đây là yếu tố đối mặt với tương lai thiếu chắc chắn. Cửa hàng ứng dụng riêng được Huawei gọi là thư viện ứng dụng (App gallery), dành cho điện thoại bên ngoài Trung Quốc. Một cửa hàng ứng dụng vô giá trị nếu không có nhiều dịch vụ mà người dùng smartphone ở các nước phương Tây thường chuộng. Vì thế, Huawei thúc đẩy các nhà phát triển điều chỉnh ứng dụng Android của họ cho App gallery.
Chiến lược App gallery đặt trọng tâm tại châu Âu. Huawei nắm hơn 20% thị phần của 22 nước châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha, Ý và Hà Lan. Châu Âu cũng là nơi mà Google đang rút lui. Phán quyết chống độc quyền năm ngoái buộc Google phải ngừng đóng gói dịch vụ của mình vào hợp đồng với các nhà sản xuất điện thoại Android. Những hãng khác có quyền cung cấp dịch vụ tìm kiếm, trình duyệt web và cửa hàng ứng dụng riêng trên điện thoại Android.
Năm nay, Huawei đàm phán với nhiều nhà mạng châu Âu về việc cài đặt App gallery trên thiết bị mới. Công ty Trung Quốc đề xuất chia doanh thu “rộng rãi” từ cửa hàng ứng dụng. Theo kế hoạch, điện thoại của nhà mạng sẽ có App gallery của Huawei cài sẵn với App store của Google. Với các nhà phát triển đồng ý làm ứng dụng cho App gallery, Huawei cam kết hỗ trợ tiếp thị và “tiếp xúc với cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc”.
Quyết định mạnh tay từ Mỹ có thể trì hoãn App gallery và nhiều kế hoạch thúc đẩy smartphone rộng hơn của Huawei. Nếu Google không thể cung ứng phần mềm, dịch vụ cho các thiết bị tương lai của Huawei, các hãng khác cũng sẽ bị hạn chế. Chuyên gia Charlie Dai thuộc Forrester Research còn cho biết: “Huawei có hệ điều hành di động riêng để phòng hờ, song hệ điều hành này chưa sẵn sàng và rất khó để xây dựng hệ sinh thái như nỗ lực mà Huawei đang làm trên Android”.
[VIDEO] Cấm Huawei, Mỹ có thúc đẩy Trung Quốc tự phát triển công nghệ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.