Công nhân mất việc vì Covid-19: Phải miễn thuế khoản tiền trợ cấp

05/07/2020 07:22 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 , thì nên miễn thuế thu nhập cá nhân với khoản doanh nghiệp hỗ trợ cho công nhân vì mất việc.

Chưa kịp mừng, đã... xót xa !

Việc tận thu thuế của công nhân khi người ta đang ở trong tình thế bần cùng, mất việc làm là không nhân văn

Bà Hồ Thị Kim Ngân,
Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Công ty TNHH PouYuen VN (Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa thông báo đến 2.786 công nhân về việc chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm giảm đơn hàng trong quý 3 và quý 4/2020. Để hỗ trợ công nhân, ngoài mức trợ cấp thôi việc theo quy định của Chính phủ, công ty này hỗ trợ thêm công nhân  1 tháng lương cho mỗi năm làm việc. Nhìn bảng lương trợ cấp thôi việc của những công nhân làm việc lâu năm, nhiều người không khỏi trầm trồ bởi mức hỗ trợ lên đến 300 triệu đồng. Dù vậy, trong bảng lương lại thông báo công ty sẽ trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản hỗ trợ thêm của công ty khiến nhiều công nhân hoang mang.
Bà C. (làm việc hơn 21 năm ở Công ty PouYuen VN) được công ty hỗ trợ gần 245 triệu đồng, trong đó trợ cấp theo quy định của Chính phủ gần 57 triệu đồng, công ty hỗ trợ thêm gần 188 triệu đồng. Khoản hỗ trợ bị trừ 10% thuế TNCN tính ra gần 19 triệu đồng (tương đương hơn 1,5 tháng lương bình quân) khiến bà C. không khỏi xót xa bởi đó là số tiền khá lớn với công nhân như bà.

Đã là trợ cấp thì không tính thuế TNCN

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, khẳng định số tiền trợ cấp thôi việc mà Công ty TNHH PouYuen VN hỗ trợ, trả cao hơn theo quy định pháp luật đối với người lao động (NLĐ) không được tính là khoản thu nhập tăng thêm.
“Phải xác định đây là trợ cấp tăng thêm, công ty hỗ trợ cho NLĐ, mà đã là trợ cấp thì không tính thuế TNCN. Nếu cho rằng khoản trợ cấp tăng thêm là nguồn thu nhập tăng thêm của NLĐ để tính thuế TNCN là không đúng. Hơn nữa phải đặt trong bối cảnh, NLĐ nghỉ việc do dịch Covid-19, DN thu hẹp sản xuất, công nhân buộc nghỉ việc”, ông Hậu phân tích.     
Phan Thương
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, công nhân có thâm niên càng cao thì được hỗ trợ càng nhiều, và đồng nghĩa với việc khoản thuế TNCN bị trừ cũng nhiều theo. Thống kê của UBND Q.Bình Tân cho biết công nhân ở Công ty PouYuen VN nhận mức trợ cấp cao nhất là 300 triệu đồng, trung bình từ 60 - 70 triệu đồng. Trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều công nhân bức xúc cho rằng việc thu thuế TNCN đối với công nhân mất việc do dịch bệnh là “tận thu”.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen VN, cho biết ngày 20.6, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân trước 45 ngày để công nhân tìm việc làm mới. Kể từ ngày 10.8 trở đi, công ty bắt đầu thanh toán các khoản trợ cấp. Theo quy định, công ty phải khấu trừ 10% thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ thêm để quyết toán thuế vào cuối năm. Tại buổi thông báo chấm dứt hợp đồng, nhiều công nhân bức xúc trước việc đã bị mất việc nhưng vẫn phải đóng thuế.

“Không nhân văn”

Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết dựa trên nguyện vọng của công nhân, quận đã kiến nghị Cục Thuế TP.HCM xem xét miễn thuế TNCN đối với khoản tiền công ty hỗ trợ công nhân. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, vượt thẩm quyền của UBND TP.HCM mà thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và bộ ngành T.Ư nên quận đang chờ ý kiến chỉ đạo chính thức.
Trong khi đó, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TP.HCM, cho rằng nếu trừ khoản 10% thuế TNCN thì quyền lợi của công nhân bị ảnh hưởng. Theo ông Trung, về nguyên tắc thì khoản hỗ trợ do mất việc thì không phải chịu thuế, nếu thu thuế TNCN thì phải đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh chứ không nên đánh đồng. Trong bối cảnh công nhân bị mất việc, ngành thuế cần cố gắng vận dụng tối đa quy định pháp luật để hỗ trợ cho họ.

Cơ quan thuế nói gì ?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế), cho biết chính sách thu thuế đối với trợ cấp mất việc, thôi việc căn cứ theo 2 bộ luật, gồm bộ luật Lao động năm 2019 và luật Thuế TNCN. Điều 46 và 47 của bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc (làm ít nhất 12 tháng) mỗi năm nửa tháng lương. Đối với trợ cấp mất việc là 1 tháng lương. Số tiền cụ thể phải căn cứ vào dữ liệu cụ thể của từng người theo thâm niên làm việc, thời gian, chế độ...
Tham chiếu theo luật Thuế TNCN thì số tiền trên có phải nộp không? Ông Minh cho biết, số tiền trợ cấp trả theo đúng quy định của luật thì không phải nộp thuế TNCN (căn cứ theo điều 3 của luật Thuế TNCN). Ví dụ, 1 NLĐ tại Công ty TNHH PouYuen VN làm việc 10 năm được trả trợ cấp theo đúng quy định của luật Lao động năm 2019 là 50 triệu đồng, thì không phải nộp thuế TNCN. Nếu công ty chi trả thêm chế độ tổng 70 triệu đồng, thì tính thuế TNCN trên phần vượt chế độ là 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, phần thu thuế 10% đối với phần vượt thu 20 triệu đồng là
2 triệu đồng chỉ là tạm thu theo nguyên tắc khấu trừ tại nguồn của luật Thuế. Tức NLĐ chỉ nộp 2 triệu đồng này vào cơ quan thuế, đến cuối năm, khi quyết toán sẽ tính tất cả tổng mức thu nhập từ 1.1.2020 đến 31.12.2020 (trừ các khoản giảm trừ), nếu thu nhập không đến ngưỡng phải chịu thuế, thì cơ quan thuế sẽ hoàn trả lại số tiền 2 triệu đồng này.
“Như vậy, có thể hiểu có 2 vấn đề. Thứ nhất, tiền trợ cấp mất việc, thôi việc theo luật không phải chịu thuế TNCN. Thứ hai, phần chi thêm chế độ thì cơ quan thuế tạm thu 10%, sau đó cuối năm quyết toán. Nếu thiếu thì nhà nước thu thêm, còn thừa thì nhà nước trả lại”, ông Minh nói.
Đối với việc sửa luật, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, về phía cơ quan thuế, khoản trợ cấp thất nghiệp, thôi việc quy định là không thu. Còn bộ luật Lao động quy định cách tính cụ thể cho từng khoản trợ cấp theo chế độ. Nếu thực tiễn phát sinh như đại dịch Covid-19 tác động khiến đời sống NLĐ khó khăn, thì cũng phải cân nhắc, xem xét điều chỉnh luật cho phù hợp. Và vấn đề chính nằm ở việc sửa bộ luật Lao động.
Anh Vũ
Tại hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ VN lần thứ 6 (khóa 12) bế mạc hôm qua (4.7), Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế TNCN 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp (DN) hỗ trợ công nhân nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (cụ thể là trường hợp Công ty PouYuen VN tại TP.HCM).
Lý giải về kiến nghị này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), bày tỏ: “Chúng ta chưa bao giờ trải qua khủng hoảng nào tồi tệ như khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong tình cảnh bất thường như vậy, Nhà nước, Chính phủ đang chỉ đạo đồng hành cùng DN và công nhân để hỗ trợ họ khôi phục sản xuất, ổn định việc làm. Khoản tiền công nhân được nhận là khoản tiền hỗ trợ của DN giúp công nhân đi tìm việc làm mới, trang trải lúc khó khăn, chứ không phải là khoản tiền thưởng hay thu nhập tăng thêm nào khác. Nếu như chúng ta thu thuế, có khác nào không hỗ trợ công nhân. Ai nghe cũng sẽ thấy, việc tận thu thuế của công nhân khi người ta đang ở trong tình thế bần cùng, mất việc làm là không nhân văn”.
Bà Ngân cũng cho biết, hôm nay (5.7), Tổng LĐLĐ VN sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến từ các cấp công đoàn và các địa phương về vấn đề này. Đầu tuần tới, Tổng LĐLĐ VN sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Đồng tình với kiến nghị của Tổng LĐLĐ VN, ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cũng cho rằng nên miễn thuế TNCN cho công nhân. “Chính phủ nên xem xét quyết định, nếu thuộc thẩm quyền của mình có thể miễn thu. Còn nếu không, có thể trình Quốc hội cho ý kiến càng sớm càng tốt”, ông Diệp nói.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ, đây là khoản tiền hỗ trợ mất việc nên không khấu trừ thuế. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý theo hướng không trừ thuế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.