Công nhân than lương thấp phải đi vay nợ, bớt ăn để có tiền chữa bệnh

07/07/2022 07:05 GMT+7

Bão giá càn quét, len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống khiến công nhân và người lao động phải ôm mặt kêu trời. Đồng lương ít ỏi, nhiều người phải tìm cách gói ghém chi tiêu, duy trì cuộc sống.

Trở thành lao động chính trong gia đình sau khi người chồng qua đời, bà Lê Thị Minh Huyền phải gồng gánh nuôi hai con học đại học. Vật giá leo thang, chi phí ngày càng đắt đỏ, mọi thứ đều vượt quá khả năng, bà Huyền ngậm ngùi tìm mọi cách xoay sở với đồng lương ít ỏi hàng tháng.

Đồng lương ít ỏi, người lao động phải tính toán để đủ chi tiêu trước bão giá.

"Nói chung công nhân ở đây ai cũng giống ai thôi, làm 10 năm hay 20 năm cũng mức lương nhiêu đó, mà vật giá thì cái gì cũng mắc. Một mình tôi nuôi hai con học đại học nói chung là vất vả, phải tính toán sao cho con vừa học, vừa có cuộc sống ấm no. Bây giờ đồng tiền làm thì khó mà xài thì nhiều, xăng đắt, cái gì cũng đắt', bà Lê Thị Minh Huyền, công nhân ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai than thở.

Bà Huyền nhẩm tính trước đây mua đồ ăn hết 100.000 đồng mỗi ngày thì nay giảm xuống 70.000 đồng, phải cố gắng gói ghém tối đa mới đủ. Bà còn cho biết nhiều công nhân làm lương thấp nên không đủ chi tiêu phải vay mượn khắp nơi để trang trải.

Áp lực giá cả tăng cao đè nặng lên vai người lao động.

"Bão dịch" vừa qua, bão giá bùng phát khiến nhiều công nhân, người lao động như bà Huyền lâm vào tình cảnh lao đao, thiếu trước hụt sau. Mức tăng lương tối thiểu vùng mới áp dụng không thấm thía vào đâu so với giá cả thị trường khiến người dân phải gồng mình chống chọi với cơn bão giá. Với nhiều công nhân, giờ đây một bữa ăn ngon và đủ chất là cả vấn đề lớn.

"Giờ tiết kiệm là tiết kiệm làm sao được, ăn thì phải ăn như vậy, nhà trọ thì mình thuê còn phải lên giá không bớt cho mình nữa thì phải làm sao mà mình tiết kiệm được. Đường nào cũng phải ăn như vậy, thiếu thì phải chịu thiếu thôi, chứ biết sao giờ. Gạo thì mình cũng ăn như vậy, không thể bớt được", bà Nguyễn Thị Hoa, công nhân ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bộc bạch.

Việc "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu là giải pháp trước mắt ứng phó với bão giá

Làm công nhân 26 năm nay, bà Nguyễn Minh Huệ luôn canh cánh nỗi lo chi tiêu mỗi khi xăng tăng giá. Bà chỉ mua nửa trái bí cho bữa cơm tối vì phải cố gắng tiết kiệm, để dành tiền khám bệnh hàng tháng. Nghề chạy xe ôm truyền thống của chồng bà Huệ cũng không đủ để “chia lửa” với bà, khi mà giá xăng liên tục tăng và số cuốc xe ngày càng ít đi. Với vợ chồng bà, đủ tiền ăn và khám bệnh đã là điều may mắn.

"Nói chung là mình phải ăn ít lại, bớt lại, ví dụ như trước mua cá khoảng 7 - 8 lạng, bây giờ mình chỉ mua nửa ký thôi, phải gói ghém chi tiêu nhiều thứ, chắt bóp lại. Ngày trước mình đi khám bệnh khoảng 100.000 - 150.000 đồng, nhưng bây giờ lên 200.000 – 300.000 đồng, nên mình phải biết bù trừ, giảm chi phí cho việc ăn lại", bà Huệ chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.