Công thức chào mừng - liên hoan - cất kho của phim nhà nước

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/03/2024 16:51 GMT+7

'Đào, phở và piano' đã mang tới bất ngờ cho dự án thí điểm đưa phim nhà nước ra rạp của Cục Điện ảnh.

Phim nhà nước chỉ để "chào mừng"?

Sau buổi ra mắt phim nhà nước Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm vào tháng 10.2023, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (biên kịch và nhà sản xuất phim này) vẫn chưa hình dung được đường ra rạp của phim sẽ ra sao. Tuy nhiên, bà biết chắc Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sẽ dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. "Chúng tôi không có tiền để đóng cho các đơn vị phát hành. Phim sẽ dự liên hoan phim. Tôi cũng không biết bao giờ phim ra rạp", bà Ngát nói.

Công thức chào mừng - liên hoan - cất kho của phim nhà nước- Ảnh 1.

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ra rạp cùng lúc nhưng không tạo được cơn sốt như Đào, phở và piano

TL

Công thức làm phim chào mừng - đi dự liên hoan phim Việt Nam - rồi cất chờ chiếu các đợt kỷ niệm không còn xa lạ với phim Việt Nam. Đôi khi những người làm điện ảnh nhà nước cũng muốn phá lệ nhưng không thành.

Hồi 2014, phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (lúc đó là Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) được chiếu vào dịp 2.9, song phim chỉ nhận được những hàng ghế trống tại cả Trung tâm chiếu phim quốc gia và rạp Kim Đồng - hai đơn vị nhà nước phát hành phim. Khi đó, 2 cụm rạp phải liên tục hủy chiếu vì mỗi suất chiếu chỉ có 2 - 3 người.

Tuy đợt chiếu chào mừng này không thành công, Sống cùng lịch sử vẫn được chiếu tiếp tại đợt phim chào mừng 10.10 cùng năm. Phim có đông người xem hơn đợt chiếu kỷ niệm trước, song con số cũng không tạo được điểm nhấn.

Cùng năm, phim lại được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội để giới thiệu với khán giả (miễn phí). Năm đó, hai đại diện của Việt Nam dự tranh giải trong hạng mục phim truyện dài là của tư nhân: Đập cánh giữa không trungNhững đứa con của làng. Sau khi đi liên hoan, chiếu chào mừng, Sống cùng lịch sử lui vào... kho phim, rồi được đưa lên YouTube.

Công thức chào mừng - liên hoan - cất kho của phim nhà nước- Ảnh 2.

Sống cùng lịch sử có kinh phí 21 tỉ đồng nhưng không bán được vé nào

TL

Cũng là phim nhà nước đặt hàng, phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ có "lý lịch" khá long đong. Phim được đặt hàng để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhận ba giải Cánh diều vàng cho đạo diễn, biên kịch và giải Phim truyền hình xuất sắc vào năm 2012. Sau khi "đắp chiếu" 3 năm, phim mới được lên sóng vào cuối 2013. Bộ phim đôi khi được dùng làm ví dụ về công thức "liên hoan - cất kho - chiếu kỷ niệm" của phim nhà nước.

Soi đèn để áo gấm đỡ… đi đêm

Sống cùng lịch sử Đào, phở và piano, từ góc nhìn nghề nghiệp, đều không phải là những bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn phim. Có nhiều tiếc nuối khi phim nhà nước Đào, phở và piano đắt khách thì nhiều tấm áo gấm phim nhà nước khác lại phải chịu cảnh… đi đêm.

Công thức chào mừng - liên hoan - cất kho của phim nhà nước- Ảnh 3.

Bây giờ đưa Cây bạch đàn vô danh ra rạp kèm theo quảng bá có tạo sốt?

CHỤP MÀN HÌNH

Trước Sống cùng lịch sử, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng có phim nhà nước Cây bạch đàn vô danh - một phim vắt qua chiến tranh và kể câu chuyện hậu chiến. Phim sản xuất năm 1996, kể về chuyện tình giữa bố một liệt sĩ và vợ liệt sĩ một mình vác đất đổi công lấy tiền nuôi mẹ chồng. Họ phải bỏ làng ra đi và nhiều năm sau mới trở về.

Điều trớ trêu là thời điểm nổi lên chê trách Sống cùng lịch sử cũng là năm có tranh luận về quy định pháp luật người phụ nữ đủ điều kiện nhưng tái giá rồi thì có còn được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng hay không. Đây là vấn đề mà Cây bạch đàn vô danh đã đặt ra trước đó 8 năm.

Trong khi đó, Vào Nam ra Bắc của đạo diễn Phi Tiến Sơn lại có câu chuyện rất riêng. Người lính định đào ngũ tình cờ đối mặt với cô bé nghĩ rằng bất cứ ai sắp đi B (chiến trường miền Nam) có thể gặp được cha mình. Sự hồn nhiên của cô đã đánh thức anh để anh "nhảy" vào Nam. Bộ phim thậm chí còn được một nhà nghiên cứu đưa vào danh sách tác phẩm có thể thảo luận về vấn đề trẻ em và chiến tranh.

Công thức chào mừng - liên hoan - cất kho của phim nhà nước- Ảnh 4.

Những người viết huyền thoại được cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí tài trợ ra rạp 2 buổi

TL

Nhìn vào danh sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất do nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm lựa chọn, có thể thấy rất nhiều phim nhà nước đặt hàng. Nếu ở thời kỳ đầu điện ảnh cách mạng có nhiều tác phẩm nhà nước lọt danh sách là đương nhiên thì thời kỳ điện ảnh tư nhân đã phát triển, nhiều phim nhà nước vẫn là "áo gấm".

Ông Lâm đã chọn các phim nhà nước về đề tài chiến tranh hay hậu chiến trong danh sách 101 bộ phim này. Đó là Cây bạch đàn vô danh, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Đời cát, Những người viết huyền thoại… Những phim này gây xúc động với bất kỳ ai đã xem nhưng không gây sốt ở rạp. Các tác phẩm này cũng chịu chung thiệt thòi là không thể ra rạp theo kiểu phim thị trường vì quy định không có tiền quảng bá, cũng như không được chia lợi nhuận với rạp tư nhân.

Công thức chào mừng - liên hoan - cất kho của phim nhà nước- Ảnh 5.

Nếu không thay đổi hành lang pháp lý, bao giờ phim nhà nước có lại một cơn sốt

TL

Đặc biệt, trong số này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã đi xin tài trợ của Hội cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí để phim Những người viết huyền thoại có 2 buổi chiếu tại TP.HCM năm 2013. Cũng phải nói thêm, đây là phim về việc cung cấp xăng dầu cho bộ đội trong chiến tranh. Sau 2 buổi chiếu đó, phim nhận cơn mưa lời khen rồi lại cất gọn trong kho.

Về những mắc kẹt chính sách để đưa phim nhà nước ra rạp, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: "Việc đưa Đào, phở và piano ra rạp lần này là một thử nghiệm để chiếu phim nhà nước. Sau khi thử nghiệm kết thúc vào cuối tháng 3, chúng tôi sẽ xem lại, rút ra bài học và có những đề xuất chính sách".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.