Để phim nhà nước 'dám đắt khách'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/02/2024 04:10 GMT+7

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn của phim Sống cùng lịch sử, một bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng do nhà nước đặt hàng, từng thừa nhận tác phẩm 21 tỉ đồng này được thanh toán theo quy định nhà nước dựa trên số mét phim nhựa dù không phải là… phim nhựa.

"Chúng tôi quay bằng máy số", ông Tuấn nói. Quay "số" nhưng thanh toán như phim nhựa chỉ là một cách để Sống cùng lịch sử có thể cán đích trong quá trình sản xuất, thanh quyết toán. Đơn đặt hàng khi đó là cho một phim truyện nhựa.

Có quá nhiều rào cản về quy chế khi đặt hàng phim nhà nước, khiến những người làm phim phải "xoay", phải "lách" như thế. Thậm chí có những quy định không thể xoay được cũng chẳng thể lách qua. Một trong những điều đó là có thể chi hàng chục tỉ đồng để làm phim nhưng chi phí phát hành phim thì lại... không cho. Ngay từ khi bắt đầu sản xuất, có thể thấy người làm phim đã không có mục tiêu, chiến lược, kế hoạch gì cho việc phát hành cả.

Một bộ phim nhà nước "bỗng nhiên đắt khách" đã cho thấy có vấn đề đâu đó về tư duy chi tiền làm phim, và lớn hơn là tư duy về công nghiệp văn hóa. Ở thời điểm Đào, phở và piano cháy vé "cục bộ" tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, Cục Điện ảnh lẫn Hãng phim truyện 1 không hề phát ra một thông cáo báo chí nào, không có đề nghị nào về việc báo chí hỗ trợ để công chúng biết thêm thông tin về lịch chiếu.

Trong khi đó, với một bộ phim nhà nước như vậy, báo chí sẵn sàng tham gia truyền thông. Để so sánh, Đất rừng phương Nam trong khoảng 20 ngày đầu ra rạp, ngày nào cũng có thông tin báo chí gửi đi. Với một bộ phim khi ra rạp, truyền thông là phần tất yếu nếu muốn thắng, muốn đắt khách. Đặc biệt là khi muốn phát triển công nghiệp văn hóa.

Vậy, phim nhà nước thật sự "không cần đắt khách, không muốn đắt khách hay không… dám đắt khách?".

Nếu dám đắt khách, nhà nước (chứ không chỉ riêng Bộ VH-TT-DL) phải xây dựng được cơ chế tìm kiếm, chi trả với mục tiêu rõ ràng hướng tới tác phẩm đỉnh cao. Cơ chế đó sẽ giúp từng đồng tiền đầu tư cho phim được chi dùng hợp lý. Người làm phim khi đó sẽ được trả tiền quay phim theo chất lượng hình ảnh chứ không phải theo số mét phim nhựa hay số giờ phim số. Việc hóa trang trong phim sẽ được trả đúng theo hiệu quả thẩm mỹ chứ không phải theo bảng giá cố định. Những dự án phim tốt sẽ được ưu tiên chi tiền thực hiện trước để người dân đóng thuế có phim hay mà xem…

Nói đến cơ chế chọn dự án phim tốt đầu tư, có thể nghĩ ngay đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đây là một cơ chế được đưa vào luật Điện ảnh sửa đổi mới nhất. Nhưng đưa vào rồi thì nguồn tiền cho nó lại không rõ ràng, và quy định về quỹ này hiện đang ở dạng "treo". Liệu tiền đặt hàng phim nhà nước có thể chuyển vào quỹ này không, các dự án phim lịch sử có thể được "đấu" chất lượng công khai để dành được nguồn tài trợ này không?

Tất cả điều đó vì mục đích để người dân có phim xem, còn nhà nước gửi gắm được những giá trị mà phim thị trường có thể muốn nhưng không làm vì mưu cầu lợi nhuận. Quan trọng hơn, đã đến lúc người đặt hàng phim nhà nước, người làm phim nhà nước rũ bỏ tư duy cũ, để tiến tới tư duy "dám đắt khách".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.