Công trình ấn tượng nhất của một giảng viên được đề xuất Giải thưởng Hồ Chí Minh

Hà Ánh
Hà Ánh
10/12/2021 07:01 GMT+7

Hơn 44 năm giảng dạy, Nhà giáo nhân dân - PGS-TS Trần Doãn Sơn, người vừa được Hội đồng cấp nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh , cùng với cựu sinh viên chuyển giao hơn 450 dây chuyền thiết bị trong và ngoài nước.

PGS-TS Trần Doãn Sơn (67 tuổi) là giảng viên cao cấp bộ môn chế tạo máy, khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ, thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm và nông sản Việt Nam" của ông, vừa được Hội đồng cấp nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6.

Đây là những công trình tập trung vào công nghệ và chế biến các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều. Những nghiên cứu của ông và cộng sự có nhiều đóng góp cho đất nước và lan tỏa lợi ích xã hội.

9 bằng sáng chế, chuyển giao hơn 450 dây chuyền sản xuất

Sáng 8.12, phóng viên Thanh Niên gặp gỡ Nhà giáo nhân dân Trần Doãn Sơn tại nhà riêng. Ông chia sẻ câu chuyện hơn 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu của mình ngay tại xưởng nghiên cứu riêng của ông. Giữa khu vực ngổn ngang máy móc, ông giới thiệu những thành phẩm đã được dán nhãn, chuẩn bị đóng gói xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

PGS-TS Trần Doãn Sơn tại xưởng nghiên cứu của ông

Hà Ánh

Ông nói: “Tôi cũng từng được nhận nhiều giải thưởng quan trọng về nghiên cứu khoa học như: Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Nhưng Giải thưởng Hồ Chí Minh có thể nói là một vinh dự đặc biệt của nhà nước với cá nhân tôi. Giải thưởng ghi nhận thành tựu nghiên cứu có tính thực tiễn của 8 công trình khác nhau, trong đó có những công trình được nghiên cứu suốt hơn 20 năm, như công trình hạt điều”.

Đúng như ông nói, công trình nghiên cứu của ông có tính thực tiễn cao. Điều này thể hiện cụ thể ở những bằng sáng chế, các bài báo được công bố và đặc biệt thông qua những hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất cho nhà máy trong và ngoài nước. Tác giả đã đăng nhiều bài báo quốc tế, trong đó có 7 bài thuộc danh mục ISI và Scopus.

Bắt đầu từ năm 2003, PGS-TS Trần Doãn Sơn nhận được văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầu tiên cho thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa. Năm 2008, ông tiếp tục có thêm 2 bằng sáng chế về thiết bị sấy bánh tráng, thiết bị sấy nhân hạt điều. Một năm sau, ông tiếp tục được cấp thêm 2 bằng sáng chế khác về thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động và thiết bị sản xuất bánh phở tươi công suất nhỏ. Ngoài ra, các thiết bị rang cà phê, sản xuất bánh tráng dạng tròn, sản xuất bánh tráng rế tự động, sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước cũng được công nhận quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng nói hơn, các công trình nghiên cứu của ông không chỉ dừng lại ở bằng sáng chế, mà còn ở danh sách “dài dằng dặc” các đơn vị được ký hợp đồng tiếp nhận chuyển giao công nghệ hoặc mua sản phẩm của công trình.

Ngay từ năm 1999, công trình bánh tráng gạo và bánh tráng rế đã được chuyển giao cho nhiều thương hiệu sản xuất tên tuổi trong nước. Chỉ riêng công trình công nghệ và thiết bị chế biến hạt điều, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hơn 200 dây chuyền sản xuất tự động, xuất khẩu nhiều dây chuyền sang các nước trồng điều khác. Trong khi dây chuyền chế biến cà phê cũng chuyển giao hơn 240 dây chuyền và thiết bị rang xay cho khách hàng trong và ngoài nước, trong đó có nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng trong nước.

PGS-TS Trần Doãn Sơn và học trò tại xưởng nghiên cứu

hà ánh

“Có nhiều động lực thúc đẩy”

PGS-TS Trần Doãn Sơn tốt nghiệp ngành chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, được phân công làm giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từ năm 1977. Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Czech, ông tiếp tục công việc giảng dạy nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đến nay. Trước khi hết tuổi quản lý, ông từng đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm bộ môn chế tạo máy tại trường. Nhưng với một giảng viên, việc sở hữu 9 bằng sáng chế và cùng với cựu sinh viên khai thác sáng chế, chuyển giao hơn 450 dây chuyền sản xuất là thành tựu đáng nể phục.

Một điểm đặc biệt trong các công trình nghiên cứu đồ sộ của ông là những sản phẩm về nông nghiệp. Chia sẻ về định hướng này, PGS Sơn cho biết: “Những nghiên cứu đơn giản là xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Thực tế, các công nghệ chế biến sản phẩm lương thực và nông sản nước ta vẫn còn giá trị thấp vì công nghệ còn hạn chế, phần lớn phải xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Muốn xuất khẩu tinh thì cần sản phẩm phải có thương hiệu, và muốn vậy cần có công nghệ chế biến tốt hơn”.

Nhóm rất tự hào về sản phẩm này vì phở được sản xuất trực tiếp trong nhà hàng, khách sạn. Khi thưởng thức ẩm thực, họ được nhìn trực tiếp phở được tạo ra như thế nào và trong suy nghĩ của họ, hình ảnh đất nước Việt Nam được tái hiện

PGS-TS Trần Doãn Sơn

Nhưng vui hơn tất thảy, với vị PGS hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu về nông nghiệp này, không phải chỉ là những thành tích và giải thưởng mà còn những ý nghĩa tinh thần khác. Ông giãi bày: “Khi sản xuất các thiết bị chế biến nông sản của Việt Nam, thì trước hết người nông dân trồng ra các sản phẩm đó được hưởng lợi. Không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt. Có lẽ đó mới chính là sự lan tỏa lợi ích xã hội mà cụm công trình nghiên cứu đã được Hội đồng cấp nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Ở tuổi 67, ông vẫn miệt mài khi nói về công việc nghiên cứu còn dang dở. Thời gian trước mắt, ông cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các thiết bị chế biến thực phẩm, tạo ra những sản phẩm mới từ chính những nông sản hiện có của Việt Nam. Nói đến đây, ông trăn trở: “Có nhiều động lực thúc đẩy việc nghiên cứu nhiều năm qua. Trong đó, một mặt có ý nghĩa tinh thần lớn lao là giới thiệu các món ăn của Việt Nam ra thế giới. Rồi khi nhìn vào những máy móc có dòng chữ “Made in Vietnam”, bạn bè thế giới dần biết đến hình ảnh của đất nước này”.

Sản xuất nhiều thiết bị chế biến nông sản Việt Nam, nhưng với ông công trình ấn tượng nhất vẫn là thiết bị sản xuất phở, bún. Dựa trên 2 sáng chế được cấp, hàng loạt máy sản xuất bún, phở cỡ nhỏ đã đến tay các nhà hàng trên thế giới từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, châu Úc… Người được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lý giải: “Chúng tôi đã cho ra đời hàng trăm thiết bị và đã xuất khẩu hầu hết các nước trên thế giới. Nhóm rất tự hào về sản phẩm này vì phở được sản xuất trực tiếp trong nhà hàng, khách sạn. Khi thưởng thức ẩm thực, họ được nhìn trực tiếp phở được tạo ra như thế nào và trong suy nghĩ của họ, hình ảnh đất nước Việt Nam được tái hiện”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.