Công ty khởi nghiệp mua hình ảnh mặt người để làm deepfake

30/08/2021 17:21 GMT+7

Một công ty khởi nghiệp ở Mỹ sẵn sàng thu mua hình ảnh gương mặt của bạn để tạo ra các nhân vật deepfake, phục vụ cho nhiều ngành nghề khác nhau.

Natalie Monbiot - trưởng nhóm chiến lược của Công ty Hour One cho biết: "Chúng tôi có một hàng dài những người muốn trở thành các nhân vật ảo". Họ tạo nhân vật ảo bằng cách dùng deepfake - kỹ thuật tổng hợp mặt người với sự trợ giúp của phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo).

Theo Interesting Engineering, để bán hình ảnh gương mặt của mình, bạn có thể đăng ký trên website của công ty, gửi cho họ tài khoản Instagram, địa chỉ email và tên thật của bạn. Hour One không cần mặt bạn phải đẹp như người mẫu, họ chỉ cần các gương mặt đa dạng ở mọi lứa tuổi, giới tính và chủng tộc. Nếu được chọn, công ty sẽ quay phim gương mặt và những biểu cảm của bạn bằng camera có độ phân giải cao, rồi đưa vào hệ thống AI đoạn phim thu được. Từ đó, AI sẽ tạo ra những nhân vật hoàn toàn không có thật, tổng hợp các đường nét từ gương mặt của nhiều người, sau đó công ty sẽ bán "thành phẩm" cho những doanh nghiệp có nhu cầu.

Choáng với năng lực công nghệ deepfake 'giả sâu' người nổi tiếng

Hour One đang làm việc với hơn 40 khách hàng trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại điện tử, giải trí, bất động sản cho đến lĩnh vực sức khỏe số hóa. Bên cạnh đó, công ty còn cung cấp dịch vụ lồng tiếng cho các nhân vật ảo. Một trong những khách hàng của Hour One là Berlitz - trường dạy ngoại ngữ chuyên quay các video dạy học của giáo viên. Ngoài nội dung bài học thường xuyên đổi mới, những video này chỉ có một kiểu dàn cảnh lặp đi lặp lại, gây mệt mỏi cho đội ngũ sản xuất lẫn giáo viên đứng lớp, nên Berlitz quyết định nhờ đến công ty AI để tăng số lượng video mà không cần phải chi nhiều tiền cho nhân lực. Họ cho biết: "Con người không cần lãng phí thời gian cho việc quay phim".

Đây được xem là bước tiến lịch sử cho việc áp dụng AI trong khu vực tư nhân, đem lại lợi ích cho đôi bên. Dù vậy, hoạt động của Công ty Hour One cũng có mặt tiêu cực. Chính sách đạo đức do công ty lập ra còn rất mơ hồ, không đủ đảm bảo an toàn cho dữ liệu của người bán hình ảnh gương mặt.

Jessie Hammerling - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lao động tại Đại học California (Mỹ) tỏ ra quan ngại: "Đây có vẻ là minh chứng cho việc công nghệ thu hẹp vai trò của con người trong một quy trình làm việc cụ thể". Khi mô hình này phát triển, các nhãn hàng, công ty quảng cáo sẽ dần quen với việc sử dụng deepfake và AI để tạo ra người ảo đại diện thương hiệu, khiến người thật không còn cơ hội làm việc. Chưa kể, danh tính của người bán hình ảnh gương mặt có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào nếu như công ty thu mua không có biện pháp để bảo mật thông tin của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.