Ngày 8.11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố 3 bị can trong vụ án "sản xuất, buôn bán hàng giả", xảy ra tại TP.HCM và Long An. Theo đó, bị can Lý Vỹ Nguyên (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lý Hứa Kỳ - gọi tắt là Công ty Lý Hứa Kỳ), Lý Thiện Nhân (nhân viên Công ty Lý Hứa Kỳ) cùng bị đề nghị truy tố về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả". Bị can Phạm Quốc Nhật (38 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị đề nghị truy tố về tội "buôn bán hàng giả".
Bên trong nhà máy của Công ty Lý Hứa Kỳ, sản xuất ống nhựa giả nhãn hiệu B.M |
CÔNG NGUYÊN |
Theo KLĐT, bị can Lê Thị Anh Thi, Giám đốc Công ty Lý Hứa Kỳ, có vai trò cầm đầu, chỉ đạo Lý Vỹ Nguyên tổ chức cho Lý Thiện nhân và công nhân của Công ty Lý Hứa Kỳ sản xuất hơn 12.000 ống nhựa giả nhãn hiệu B.M (tương đương số lượng hàng thật có giá trị là hơn 1 tỉ đồng). Trong đó, Nguyên và Nhân đã giúp sức cho Thi thu lợi bất chính tổng số tiền 198 triệu đồng.
Hiện bị can Thi đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 9.6, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã đối với Lê Thị Anh Thi. Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Lê Thị Anh Thi.
Sản xuất hơn 12.000 ống nhựa giả thương hiệu nổi tiếng
Theo đó, khoảng tháng 9.2020, Thi và Nguyên cùng đứng tên thành lập Công ty Lý Hứa Kỳ để sản xuất, buôn bán ống nhựa nhãn hiệu Lý Hứa Kỳ. Đến cuối năm 2021, Thi phân công cho Nguyên chịu trách nhiệm giám sát, điều hành, tổ chức cho công nhân sản xuất cùng lúc ống nhựa nhãn hiệu Lý Hứa Kỳ và ống nhựa giả nhãn hiệu B.M để bán ra thị trường kiếm lời.
Khi có khách hàng cần mua ống nhựa nhãn hiệu B.M, căn cứ theo số lượng đặt hàng, Thi đưa ra thông số kỹ thuật, số lượng, chủng loại chỉ đạo công nhân sản xuất thành lô ống nhựa không nhãn hiệu. Lô ống nhựa không nhãn hiệu được đưa lên dây chuyền in để in nhãn hiệu nhựa B.M rồi đem đi tiêu thụ. CQĐT xác định, toàn bộ ống nhựa giả nhãn hiệu B.M được Thi và đồng bọn đem bán cho Phạm Quốc Nhật và nhiều công ty, khách hàng khác.
Đến ngày 22.3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát hiện Phạm Quốc Nhật cùng 1 nghi can đang bốc xếp số lượng lớn ống nhựa nhãn hiệu B.M từ trên xe ô tô biển số 51D - 066... xuống một căn nhà tại H.Bình Chánh (TP.HCM) có biểu hiện nghi vấn nên kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, CQĐT phát hiện hơn 1.000 ống nhựa do Nhật vận chuyển là ống nhựa giả nhãn hiệu B.M (tương đương số lượng hàng thật có giá trị hơn 193 triệu đồng).
Qua lời khai của Nhật, Công an TP.HCM khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm có liên quan việc sản xuất, buôn bán ống nhựa giả tại H.Bình Chánh, Long An. Trong đó, khám xét nhà của Nhật, lực lượng chức năng thu giữ hơn 4.200 ống nhựa giả nhãn hiệu B.M (tương đương số lượng hàng thật có giá trị hơn 300 triệu đồng). Khám xét Công ty Lý Hứa Kỳ tại Long An, Công an TP.HCM thu thêm hơn 6.000 ống nhựa giả nhãn hiệu B.M, cùng nhiều máy móc thiết bị dùng để sản xuất ống nhựa giả và các tài liệu liên quan.
Tại CQĐT, Nguyên khai nhận, đã cùng với Thi đứng tên thành lập Công ty Lý Hứa Kỳ để sản xuất ngành nhựa. Thi góp 70% vốn điều lệ, đứng tên giám đốc và đại diện pháp luật. Nguyên góp 30% đứng tên phó giám đốc, nhưng thực tế Nguyên không góp tiền, toàn bộ hoạt động công ty do Thi bỏ vốn điều hành.
Đầu năm 2021, Nguyên vào làm việc tại công ty, được phân công làm giám sát, quản lý, điều hành, nhận và soạn các đơn hàng, phân công Lý Thiện Nhân sản xuất ống nhựa mang nhãn hiệu Lý Hứa Kỳ - Tân Đại Phát hoặc sản xuất ống nhựa giả nhãn hiệu B.M theo các đơn đặt hàng.
Đối với Phạm Quốc Nhật, mặc dù biết các ống nhựa nhãn hiệu B.M do Công ty Lý Hứa Kỳ sản xuất là hàng giả, nhưng vì ham lợi nhuận, Nhật đã đặt hàng hơn 6.000 ống nhựa giả nhãn hiệu B.M để kinh doanh nhằm thu lợi bất chính.
Bình luận (0)