Công ty Việt chi chục triệu tuyển người ra lệnh cho AI

16/09/2024 21:41 GMT+7

Các công ty Việt bắt đầu tuyển prompt engineer (kỹ sư ra lệnh cho AI - trí tuệ nhân tạo) với mức lương tương tự kỹ sư công nghệ nhưng yêu cầu hiểu biết sâu về học máy và AI.

Sau khi ChatGPT ra mắt, cộng đồng công nghệ đã có một cuộc tranh cãi lớn về prompt engineer - kỹ sư ra lệnh cho AI. Janes Neave, trưởng nhóm khoa học dữ liệu của Adzuna, từng nhận định với Business Insider rằng "ra lệnh cho AI có thể là công việc hấp dẫn nhất 2024". Một số công ty sẵn sàng trả trăm nghìn USD mỗi năm cho vị trí này.

Tại Việt Nam, prompt engineer cũng là cơn sốt một thời. Nhiều khóa học đào tạo prompt mọc lên để đào tạo những nhân sự tay ngang muốn chuyển hướng sang AI. Khác với kỹ sư lập trình, prompt engineer chủ yếu tương tác với AI nhằm cải thiện câu trả lời cho hệ thống và tùy chỉnh các câu lệnh, văn bản.

Một năm qua, sau cơn sốt GenAI, hầu như không có công ty trong nước nào tuyển dụng vị trí này. Prompt engineer không còn được nhiều người nhắc đến, các khóa học cũng dần biến mất. Tuy nhiên mới đây, MoMo, một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam, đăng thông báo tuyển prompt engineer, thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng.

Công ty Việt chi chục triệu tuyển người ra lệnh cho AI- Ảnh 1.

Thông báo tuyển dụng kỹ sư prompt của MoMo

ẢNH: THIÊN TRƯỜNG

Theo mô tả của MoMo, vị trí này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất của các công cụ AI nội bộ. Kỹ sư sẽ phát triển, tinh chỉnh và tối ưu hóa các prompt. Ngoài ra ứng viên cũng cần làm việc với cơ sở dữ liệu, đảm bảo khả năng truy xuất thông tin hiệu quả và tối ưu hóa nội dung do AI tạo ra. Một nhiệm vụ quan trọng khác của prompt engineer do MoMo đưa ra là kỹ sư sẽ chịu trách nhiệm về việc xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và hỗ trợ đào tạo các thành viên khác của công ty biết cách dùng, tối ưu hóa công cụ AI.

Quân Nguyễn, cựu kỹ sư OpenAI, đánh giá yêu cầu này của MoMo cho thấy công ty đang tuyển người có kinh nghiệm sâu về AI chứ không đơn thuần là học các lớp prompting có thể vào làm.

Ông Phạm Kim Long, Giám đốc mảng AI và Big Data của MoMo, chia sẻ: "Ngay từ giai đoạn đầu phát triển ứng dụng GenAI, MoMo đã thực hiện các công việc liên quan đến prompt engineering. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển và tối ưu hóa giải pháp AI ngày càng cao, công ty cần nhân sự chuyên sâu hơn về prompt".

Ông Long cho biết, ở vị trí này, prompt engineering không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài hiểu biết về GenAI, kỹ sư còn phải có kiến thức, kinh nghiệm tổng hợp như phân tích tính năng, thiết kế kịch bản hội thoại, tham gia thiết kế giải pháp kỹ thuật; làm việc với các kỹ sư phần mềm, kỹ sư AI, phụ trách sản phẩm... để viết các prompt (kịch bản cho chatbot). Công việc này đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ năng phân tích, thiết kế giải pháp kỹ thuật và tối ưu trải nghiệm người dùng.

Quân Nguyễn cho rằng điều này cho thấy vai trò của prompt engineering ngày càng quan trọng trong việc đưa các mô hình ngôn ngữ lớn vào đời sống. Tuy nhiên mỗi công ty có thể sẽ cần 2 - 3 nhân sự cho lĩnh vực này, không quá ồ ạt như kỹ sư AI hay phần mềm. Đại diện MoMo cũng xác nhận hiện tại chưa có kế hoạch mở rộng đội ngũ kỹ sư prompt ngoài vị trí đang tuyển, dù công ty cam kết đầu tư mạnh vào AI.

Kỹ sư ra lệnh cho AI có nhiều "đất dụng võ"

Ngoài MoMo, trên các nền tảng tuyển dụng trực tuyến như TopCV cũng có các công ty đăng bài tuyển dụng prompt engineer để nghiên cứu, ứng dụng AI vào các sản phẩm nội bộ. Các vị trí liên quan đến công việc này đang có mức lương từ 12 đến 20 triệu đồng. MoMo không đưa ra con số cụ thể nhưng cho biết lương prompt engineer sẽ tương đương các kỹ sư công nghệ khác trong công ty, phù hợp với yêu cầu chuyên môn và kỹ năng cần có.

Theo các chuyên gia, prompt engineer hiểu về AI/Machine Learning là rất cần thiết. Họ không chỉ nắm bắt được các loại dữ liệu học máy được đào tạo mà còn hiểu được ngôn ngữ của máy tính. Ở giai đoạn đầu nhiều tổ chức đang đánh giá quá cao khả năng của AI nên thường cử trực tiếp một kỹ sư AI hoặc lập trình đảm nhiệm thêm vị trí này. Nhưng khi có nhiều mô hình GenAI xuất hiện, dải sản phẩm mở rộng với nhiều chức năng, mỗi module của chatbot cần được thiết kế prompt riêng, các công ty sẽ cần prompt engineer đảm nhiệm. Đó là lý do vì sao GenAI bùng nổ từ cuối năm ngoái nhưng đến bây giờ, vị ví kỹ sư ra lệnh mới bắt đầu trở thành nghề đúng nghĩa ở Việt Nam.

Ông Phạm Kim Long khẳng định ở MoMo, prompt engineering là vị trí lâu dài. Đây là một phần quan trọng trong hệ sinh thái kỹ sư của công ty. Công nghệ và kỹ năng có thể thay đổi, nhưng vai trò nền tảng của họ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai gần.

Trong tương lai, prompt engineering được đánh giá là còn nhiều "đất dụng võ" khi các công ty non-tech (ngoài công nghệ) muốn áp dụng GenAI vào sản phẩn. Nhân sự có chuyên môn về AI có thể giúp tổ chức nhanh chóng nắm bắt được các xu hướng, tối ưu hóa công việc và áp dụng ngay vào những sản phẩm không quá cao siêu.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng cần phân biệt rõ việc biết viết prompt với kỹ sư prompt là hai khái niệm khác nhau. Nhiều khóa học prompt hiện nay được mọc lên chỉ đơn thuần là dạy người dùng cách tương tác với những mô hình chatbot trên thị trường. Việc này có thể tốt cho những nhu cầu cá nhân, nhưng để trở thành một prompt engineering, ứng viên cần có nền tảng tốt về công nghệ và hiểu biết sâu về AI. Do đó người dân không nên quá kỳ vọng vào các khóa dạy "prompt engineering cấp tốc" trên thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.