Covid-19 bùng phát ở TP.HCM: Xích lô Sài Gòn nói lời giã từ dĩ vãng

Thanh Khương
Thanh Khương
04/06/2021 12:36 GMT+7

Du khách gần xa, đặc biệt là người nước ngoài xem xích lô như đặc sản của Sài Gòn. Vậy mà hơn một năm qua, ‘bão’ Covid-19 càn quét khiến người lái xích lô đối diện không ít khốn khổ vì chén cơm manh áo bị 'đe dọa' . Dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM đợt này, TP giãn cách, hình ảnh chiếc xích lô chỉ còn là dĩ vãng một thời.

Lái xích lô chở… ve chai

Hai năm nữa là tròn 30 năm ông Lâm Văn Hải (52 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) làm bạn với xích lô. Mỗi ngày, người đàn ông có dáng người gầy gò và đen sạm đều đạp xích lô qua những con phố quen thuộc. Chỉ khác ở chỗ, ngày ấy đủng đỉnh chở khách, còn giờ thì chở ve chai đem bán và chắt chiu từng đồng một.
Hơn 20 giờ, ông Hải có mặt ở khu chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) như mấy mươi năm qua. Ông nói bằng giọng xót xa: “Hồi đó chợ đêm ở đây đông vui và nhộn nhịp lắm, các sạp hàng kéo dài từ đầu này tới đầu kia, tấp nập cảnh người mua – kẻ bán. Nhưng hơn một năm nay, chợ thê thảm đi nhiều, ai đi xa trở về, chắc khó mà nhận ra…”

Ông Lâm Văn Hải ngày nào cũng ra chợ Bến Thành như một thói quen

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Ông cho biết từ ngày TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 mới thì không có một khách nào. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn đều đặn đạp xe tới đây mỗi tối để nhìn dòng xe qua lại cho đỡ buồn, thỉnh thoảng có người hỏi đường thì chỉ họ rồi mới đi nhặt ve chai.
Mắt nhìn xa xăm, ông Hải nói: “Đợi cho vãn người tôi mới chạy dọc khắp công viên, nhà hàng nhặt ve chai. Đến gần 4 giờ sáng thì chở ra vựa bán, hôm nào nhiều thì 50.000 đồng, ít thì 30.000 đồng. Tờ mờ sáng mới đạp xe về nhà ngủ, tối đến lại tiếp tục. Nhưng mấy ngày nay nhiều hàng quán đóng cửa nên lon, chai ít lắm”.

Ngắm nhìn xe cộ cho đỡ buồn trước khi lái xích lô đi… nhặt ve chai

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Trong khi đó, thu nhập trước kia của ông lên tới 400.000 – 500.000 đồng/ngày là chuyện thường tình, hôm nào “ế” lắm cũng được 100.000 đồng. “Ngày xưa chở khách ra phố đi bộ Bùi Viện 50.000 đồng/lượt, giờ giảm xuống còn 20.000 cũng chẳng có ai đi”, ông cười chua chát, rồi leo lên yên xe cọc cạch đi thu lượm ve chai.

Trưa 4.6: Thêm 80 ca Covid-19, TP.HCM có 9 ca liên quan nhóm Truyền giáo Phục Hưng

Ngôi nhà “di động”

Khác với ông Hải, ông Nguyễn Văn Công (66 tuổi) trước đây sống cùng gia đình ở Q.5. Nhưng 20 năm trở lại đây, khu nhà ông ở bị giải tỏa, mẹ lại không còn nên anh chị em trong nhà mỗi người một nơi, riêng ông thì lấy xích lô làm “nhà”.
Chiếc xích lô cũ kỹ chỉ treo duy nhất một bộ đồ còn chưa kịp ráo, cốc nước và vài viên thuốc phòng khi trái gió trở trời. “Trời nắng thì kiếm công viên hay gốc cây, trời mưa thì chạy lại mái hiên nhà người ta trú nhờ. Tắm giặt thì vào nhà vệ sinh công cộng. Còn ăn uống thì đến quán cơm 2.000 đồng hoặc xin các suất ăn từ thiện”, ông thành thật nói.
Nhắc tới nghề lái xích lô, ông Công buồn rười rượi. Ông kể, thời trai tráng đi làm bốc vác, hơn 20 năm nay mới chuyển sang đạp xích lô vì thấy cái lưng không khỏe. Xích lô ngày trước rất được ưa chuộng, cho đến khi dịch bệnh bùng phát thì coi như tiêu điều vì mất hẳn nguồn khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Công chỉ có hai bộ đồ để thay đổi, mặc bộ này thì giặt phơi bộ kia

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Người đàn ông nói với âm lượng nhỏ dần: “Có tháng chỉ có 2 - 3 cuốc xe, nhưng dịch mà, được cuốc nào thì mừng cuốc đó. Sài Gòn hơn một năm nay khác hẳn với ngày xưa. Tôi có tuổi rồi nên biết làm gì bây giờ, thôi thì tới đâu hay tới đó”.
“Mới hôm qua, ông bạn của tôi đã phải bán đi chiếc xích lô gắn bó nhiều năm. Còn nhớ đợt dịch đầu, ông ấy gửi xe lại thành phố và về quê kiếm việc làm tạm thời. Thấy dịch bệnh thế này, trong khi tiền gửi xe ở bãi là 300.000 đồng/tháng nên áp lực lắm”, ông Công bộc bạch.
Đêm đến, những chiếc xích lô nằm lặng lẽ dưới những tán cây hay trên hè phố Sài Gòn không còn như xưa mà đã thưa dần. Bởi dịch bệnh kéo dài, nhiều người buộc phải “bỏ nghề” để tìm đường mưu sinh khác dù không đành lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.