Như Thanh Niên đã thông tin, trưa 31.5, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa tạm thời một phần hẻm 245 Nguyễn Trãi (khu Mả Lạng - P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) do có ca nghi nhiễm Covid-19.
13 giờ, PV ghi nhận phía trước khu vực bị phong tỏa luôn có lực lượng chức năng túc trực. Lâu lâu, có người tiếp tế lương thực, thực phẩm vào trong cho người thân, cũng có những người tự nguyện vào trong xin được cách ly. Hơn 14 giờ, lực lượng y tế đã có mặt tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những người bên trong con hẻm.
"Covid-19 lại đến"
Ngay khi lực lượng chức năng có mặt để phong tỏa, nhiều người dân cho biết cả con hẻm trở nên xôn xao, ai cũng hoang mang không biết chuyện gì xảy ra nhưng nghĩ là "Covid-19 lại đến". Bà Ngô Thị Hạnh Trang (44 tuổi, bán đồ ăn phía trước khu vực) kể mình lại hỏi dân quân xem có chuyện gì xảy ra thì mới biết có người nghi nhiễm Covid-19 từng lưu trú ở khu vực này.
“Ban đầu, cũng giật mình. Tôi thầm nghĩ lần này lại khổ rồi, buôn bán gì được nữa đâu. Lần trước bị, tôi cũng không buôn bán được, lần này chắc cũng vậy”, bà Trang thở dài chỉ vào nồi đồ ăn còn đầy.
|
|
Theo lời bà Trang, những người dân ở đây đều là lao động nghèo, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nên “ai ai cũng sợ đói” khi hay tin phong tỏa.
Bà nói thêm: “Nhưng mà nếu không bán nữa thì lấy gì mà sống đây. Thôi thì tôi vẫn cứ bán, vì tôi bán đồ ăn, hàng thiết yếu mà. Nếu người trong khu vực bị phong tỏa có cần gì thì người ta gọi rồi tôi chuyển vô cho, vì trong đó chắc cũng nhiều người cần tiếp tế”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (50 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) đang đứng trước khu vực phong tỏa, tìm cách chuyển đồ ăn vào hẻm cho con trai. Sau khi làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế, đồ ăn đã được để sẵn lên bàn chờ con bà ra lấy. Thấy con, bà liền nói vọng vào: “Ở trong đó cẩn thận nha con, có gì gọi mẹ”. Con trai bà đi khuất vào trong, người phụ nữ mới rời đi.
|
Hay tin khu vực này bị phong tỏa, bà Oanh cũng đau đáu nỗi lo mưu sinh. Bà nói mình bán phía trước con hẻm đang bị phong tỏa cũng gần chục năm, 4 người con và 2 đứa cháu ngoại của bà đều đang ở bên trong.
Chỉ vào con hẻm, bà tâm sự: “Tụi nó ở trong, tôi cũng lo quá không biết chừng nào nó mới được ra đây. Tôi không có ở với tụi nó, tôi ở Thủ Đức lận nên cũng may là được ở ngoài tiếp tế cái này cái kia. Chứ mà ở trong luôn chắc cả nhà chết đói…”.
Mưu sinh bằng nghề bán đồ ăn, những ngày tới bà băn khoăn không biết có nên tiếp tục buôn bán hay không. Bà tâm sự rằng nếu có, chắc bà phải đẩy xe đi xa hơn thì may ra mới có khách đến mua.
“Dịch bệnh, bán đã ế, vậy mà lại còn bán gần khu phong tỏa chắc không ai mua quá. Thôi cứ đợi mai coi tình hình như thế nào rồi tính tiếp”, bà Oanh hoang mang.
Niềm tin thắng dịch bệnh
Ông Nguyễn Phúc Nguyên (42 tuổi) hớt hải chạy xe máy tới trước khu vực bị phong tỏa, rồi xin lực lượng chức năng cho mình vào bên trong. Ông kể đang đi làm, thì vợ gọi nói nhà bị phong tỏa rồi nên ông lật đật chạy về.
“Lần trước tôi cũng bị một lần rồi, cũng phong tỏa xuyên Tết nên giờ không có hoảng như lần đó. Người dân hẻm Mả Lạng đã chiến thắng được Covid-19 một lần rồi, nên lần này chắc chắn cũng vậy”, ông Nguyên lạc quan. Nói xong, ông vội vã vào bên trong khu vực phong tỏa.
|
Ông Tấn Hùng (62 tuổi, ngụ Q.1) cũng đứng trước khu vực bị phong tỏa chờ vợ. Ông nói chỉ có vợ ông ở trong, hôm nay đi làm nghe nhà mình bị phong tỏa nên ông cũng vội chạy về.
“Tôi chờ bã đưa chìa khóa xe để đi chợ mua tí đồ, chứ vào đó không có ai tiếp tế hết. Tôi sống tới tuổi này, thì dịch bệnh cũng sợ vì sức khỏe mình yếu. Nhưng mà chỗ có người nghi nhiễm xa nhà tôi, tôi cũng tuân thủ tốt việc phòng dịch nên chắc không sao”, ông nói vội rồi rời đi.
Nhiều người sống trong con hẻm đều “vội vội vàng vàng” chạy xe với đầy những túi thực phẩm đưa vào bên trong khu vực đang bị phong tỏa. Họ nói dù thời gian phong tỏa có bao nhiêu, thì họ vẫn sẽ tuân thủ tốt. Những người dân ở khu vực Mả Lạng nói rằng họ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để vượt qua Covid-19 một lần nữa.
Bình luận (0)