Tiến sĩ Serena Scarpelli và nhóm của bà tại Đại học Sapienza ở Rome (Ý) đã quan sát thấy một xu hướng thú vị trên mạng xã hội, khi mọi người bắt đầu chia sẻ về giấc mơ của họ lúc bắt đầu đợt phong tỏa đầu tiên ở Ý năm 2020.
Trong những chia sẻ này, các cá nhân tuyên bố họ đã trải qua nhiều giấc mơ ngày càng kỳ lạ. Từ đó, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu sự thay đổi của giấc mơ trong đại dịch một cách có hệ thống, và công bố những phát hiện của mình trên chuyên san Journal of Sleep Research (Nghiên cứu giấc ngủ).
Nghiên cứu được thực hiện với người tham gia từ 19 - 41 tuổi, đa số là phụ nữ. Các nhà khoa học yêu cầu họ ghi lại nhật ký giấc ngủ cũng như giấc mơ vào mỗi buổi sáng và trả lời các cuộc khảo sát trực tuyến trong 2 tuần liên tiếp. Tuần đầu tiên của cuộc khảo sát này là khi Ý hoàn toàn phong tỏa và tuần thứ hai là khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các hạn chế.
Phần lớn người tham gia cho biết chất lượng giấc ngủ kém đi, hơn 50% có biểu hiện lo lắng và các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Nhiều người trước đây hầu như không mơ đã bắt đầu có những giấc mộng phong phú hơn, dài hơn và thường xuyên hơn. Một số cho biết họ cảm thấy những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tức giận và cô đơn trong khi ngủ.
Trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người không phải đi làm sớm và vì vậy sẽ thức dậy muộn, khiến giấc ngủ dài hơn. Ngủ lâu hơn sẽ làm tăng thời gian của giai đoạn REM - giai đoạn giấc ngủ liên quan đến hoạt động của não bộ, dẫn đến những giấc mơ sống động hơn.
Ngoài những giấc mơ quen thuộc, mọi người còn thấy nhiều giấc mơ liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như nhiễm vi rút, gặp vấn đề về hô hấp hoặc ngạt thở. Ngược lại, thời kỳ sau giãn cách, các cá nhân mơ nhiều hơn về việc tụ tập đám đông hoặc đi du lịch.
Bình luận (0)