Bán tống bán tháo tàu vẫn ế
Như mọi năm, vào thời gian này, các chủ khách sạn, nhà hàng tại Hạ Long "đếm tiền mỏi tay" vì khách du lịch khắp nơi ồ ạt kéo đến. Thế nhưng, liên tiếp các làn sóng Covid-19 trong 2 năm qua khiến ngành công nghiệp không khói của Quảng Ninh kiệt quệ; các khu du lịch nghìn tỉ, bến tàu triệu đô, trung tâm mua sắm vốn sầm uất nhất miền Bắc nay rơi vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”.
Đang lau dọn du thuyền của gia đình neo đậu tại Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long, anh Nguyễn Trung Kiên (50 tuổi, P.Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long) thở dài cho biết: “Tôi sắm con tàu này được 2 năm từ một chủ khác, với giá gần 10 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vay mượn bạn bè và ngân hàng. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, tàu gần như nằm bờ vì không có khách, giờ đành rao bán lỗ để lấy tiền trả nợ và tìm công việc khác”.
Anh Vũ Tuấn Bách, chủ khách sạn Malonis (P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long) cũng cho biết, cách đây 3 năm, anh đầu tư khoảng 20 tỉ đồng để bước chân sang lĩnh vực kinh doanh lưu trú. Thế nhưng sau mùa hè 2019 khách sạn luôn kín phòng, thì 2 năm nay gần như đóng cửa vì dịch Covid-19. “Những tưởng dịch đã tạm yên, hè này các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, nhưng làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã nhấn chìm mọi hy vọng của chúng tôi. Giờ đây tôi phải làm thêm công việc khác để trả nợ và trang trải cuộc sống”, anh Bách ngậm ngùi.
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, trước tình hình làm ăn bết bát, nhiều doanh nghiệp đành phải bán du thuyền để trả nợ và tìm hướng kinh doanh khác. Riêng lĩnh vực tàu du lịch, theo UBND TP.Hạ Long, đã có hơn 126 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó chi hội tàu du lịch Hạ Long, cho biết vừa qua nhiều đơn vị rao bán tàu giá bèo nhưng cũng không ai hỏi mua, bởi giờ có mua rẻ cũng chỉ neo cảng, còn mất thêm phí bến bãi, người trông coi mà không có khách để chở.
Thống kê từ tháng 9.2020 đến nay, đã có hơn 30 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long chuyển chủ sở hữu. Đây phần lớn là các đơn vị gặp khó khăn về kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Gắng gượng bám trụ
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong vòng 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, địa phương này chịu tác động nặng nề, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Từ năm 2019 đến nay, đã có hơn 1 vạn lao động trong lĩnh vực dịch vụ bị mất việc làm.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, nhiều tàu du lịch thời gian qua phải dừng hoạt động bởi chi phí hoạt động thường xuyên khá cao, chưa kể việc tìm kiếm nhân sự không phải là điều dễ dàng gì, do hàng nghìn lao động đã bỏ đi để chuyển sang lĩnh vực khác. “Ngay cả đơn vị quản lý nhà nước như chúng tôi cũng “phá sản” mục tiêu thu ngân sách. Thậm chí, vừa rồi đơn vị phải cắt giảm lao động vì không đủ tiền chi trả lương nhân viên”, vị này cho biết.
Trước tình cảnh này, một số doanh nghiệp vẫn cố gắng bám trụ cầm cự kiếm được đồng nào hay đồng đó, còn hơn xoá sổ luôn thương hiệu. Ông Nguyễn Quang Đắc, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế An Bình, cho biết việc đóng cửa doanh nghiệp thì dễ nhưng thương hiệu gây dựng bấy lâu, rồi còn người lao động gắn bó nhiều năm nay, nên đơn vị vẫn gắng bám trụ, chờ từng ngày dịch Covid-19 được kiểm soát. “Cứ mỗi lần dịch tạm yên, doanh nghiệp vừa rục rịch sửa sang tàu thuyền, chắp mối làm ăn thì lại bùng lên đợt dịch mới. Khách thì không có, trong khi chi phí hàng tháng cho mỗi con tàu nằm tại cảng khoảng 5 -10 triệu đồng. Đợt dịch này nhấn chìm mọi nỗ lực, vô vọng mất rồi”, ông Đắc nghẹn giọng nói.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương, nhận định: "Giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 là cao điểm của du lịch nội địa. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, e rằng du khách chưa dám nghĩ đến việc đi du lịch, kể cả sau dịch vẫn còn tâm lý e ngại, lo lắng”.
Để vực dậy ngành du lịch sau các làn sóng Covid-19, hồi tháng 4 mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt các gói kích cầu trị giá hàng trăm tỉ đồng như miễn vé tham quan vịnh Hạ Long, Yên Tử,… nhưng trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, các mục tiêu trên của du lịch Quảng Ninh đã hoàn toàn bị phá sản. Mới đây, ngày 13.5, UBND tỉnh này đã phải yêu cầu Sở Du lịch điều chỉnh lại kế hoạch kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỉ đồng vào thời điểm thích hợp, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, tổng dư nợ vốn vay của các chủ tàu du lịch hiện trên 1.952 tỉ đồng. Trong đó, số dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gần 1.140 tỉ đồng. Con số này mới chỉ là vốn vay ngân hàng, chưa kể các nguồn khác ngoài xã hội.
|
Bình luận (0)